Là thầy thuốc ai cũng thuộc lời thề Hippocrates, được xem là lòng tự trọng, là danh dự với họ. Ở nhiều quốc gia, các thầy thuốc phải đọc lời thề trên khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Chữa bệnh cứu người luôn được xã hội tôn vinh là NGHỀ CAO QUÝ, luôn đặt chữ Đức, chữ Tâm lên đầu, luôn sống chết với nghề, hết lòng vì người bệnh. Bệnh nhân luôn biết ơn thầy thuốc, coi họ là ân nhân, vị cứu tinh khi được chữa trị thoát khỏi bệnh hiểm nghèo, giữ được mạng sống của mình. Cuộc đời mỗi người, không ai có thể tránh được bệnh tật, dù ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Và, đương nhiên họ luôn cần đến sự trợ giúp, chữa trị của thầy thuốc. Có bệnh thì vái tứ phương; hợp thầy hợp thuốc chứa đựng hàm ý nhân duyên, may mắn và hạnh phúc là thế!
Bất cứ xã hội nào, thời đoạn lịch sử nào, nghề y, ngành y, thầy thuốc luôn được xã hội suy tôn, trân quý. Người làm trong ngành y đã thấu triệt vinh hạnh ấy, giữ được đạo đức trong sáng, tay nghề luôn tiến bộ bằng sự truy rèn không ngừng nghỉ, tận hiến cho cộng đồng. Trước đây, khi chọn nghề, các bạn trẻ hay bảo nhau bằng câu “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. Ai theo đuổi và thành công nghề y, ngoài năng khiếu bẩm sinh phải là người có lòng kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm cao mới vượt qua 6 năm trên giảng đường đại học, với những kỳ thực tập dày đặc ở bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Ra trường, muốn trở thành bác sĩ giỏi phải tham gia khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trung ương, được giao thăm khám, xử lý những ca bệnh phức tạp. Hình ảnh chiếc áo choàng blu, đầu đội chiếc mũ tròn màu trắng, quàng cổ thiết bị nghe tim phổi, trên túi áo ngực luôn cài biển tên, chức danh (trước đây, trên túi áo ngực thêu tên, chức vị với dòng chữ bằng chỉ xanh, đỏ, vàng…) thật sang trọng!
Nghề thầy thuốc đòi hỏi các chuẩn mực chuyên ngành: chuyên môn vững vàng, sáng trong, có tâm, đức nghề nghiệp. Kế thừa tư tưởng này, thầy thuốc thường nhắc nhau ghi nhớ lời dạy của cha ông, của Bác Hồ “ Lương y như từ mẫu. Thầy thuốc như mẹ hiền”. Bệnh nhân và người nhà của họ luôn nhìn thầy thuốc với ánh mắt coi trọng, chờ đợi, tin cậy, cảm ơn, thậm chí đôi chút hồi hộp, lo lắng, khẩn cầu mỗi khi được tiếp xúc, thăm khám của thầy thuốc, y, bác sĩ nhân viên y tế. Thầy thuốc chiếm vị thế quan trọng, xứng đáng trong lòng người bệnh, gia đình bệnh nhân. Hiểu được sự thật ấy, thầy thuốc đã hết lòng vì người bệnh để gìn giữ thương hiệu ngành y, kể cả những người không trực tiếp làm công việc khám, điều trị bệnh. Cần phải ghi nhận xứng đáng thành tích “ âm thầm” của lực lượng hậu cần đảm bảo điều kiện, trang thiết bị, môi trường tốt cho các lực lượng trực tiếp tham gia làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh từ trung ương đến địa phương.
Sức khỏe là vốn quý nhất đối với con người. Thân thể khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết để mỗi người có thể lao động, sáng tạo đạt hiệu quả cao nhất. Có sức khỏe cuộc sống mới hạnh phúc trọn vẹn. Vì thế chăm sóc sức khỏe toàn dân luôn được Đảng, Chính phủ đề cao, quan tâm đặc biệt. Đầu tư cho ngành y là đầu tư đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược để tạo nên nguồn lực có chất lượng. Các quốc gia văn minh luôn đặt chăm sóc sức khỏe toàn dân lên đầu, ưu tiên đầu tư nguồn ngân sách lớn. Đào tạo bài bản, phát triển nền y học nước nhà luôn là lựa chọn hàng đầu để hướng tới mục tiêu phòng chống, điều trị có hiệu quả với các loại dịch bệnh; chăm lo sức khỏe người dân thông qua xây dựng hệ thống y tế khoa học, hợp lý.
Phòng bệnh từ sớm, từ xa, đông tây y kết hợp là lựa chọn khôn ngoan của nhiều quốc gia. Với tiềm lực kinh tế còn khiêm tốn, Việt Nam phải lựa chọn hướng đi hợp lý cho ngành y, không đầu tư dàn trải, chống lãng phí nguồn lực. Thành công, hạn chế, thiếu sót, yếu kém của ngành y những năm qua, nhất là qua đại dịch covid-19 cho thấy, con người và cơ sở vật chất là điều kiện cần thiết để ngành y tế hoạt động hiệu quả nên cần được đặc biệt quan tâm, không thể bên nặng, bên nhẹ, bên trọng, bên coi thường.
Điều gì đang tác động đến lời thề danh dự hay đạo đức nghề nghiệp của y, bác sĩ, nhân viên y tế? Cơ chế thị trường, lực hấp dẫn của lợi ích vật chất, tác động của xu hướng sống ở một bộ phận xã hội? Thực tế hoạt động của ngành y trong và sau đại dịch cho thấy các mảng tối, sáng trong hoạt động y tế, trong đó có đạo đức nghề nghiệp. Một bên là lợi ích nhóm, lối sống thực dụng, kiếm lợi cá nhân từ kẽ hở cơ chế, lúng túng hỗn loạn trong dịch bệnh. Sự ích kỷ, thiếu nhân cách đã bộc lộ ở bộ phận lực lượng y tế. Song, đời sống thực tế cũng minh chứng, Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào vì đội ngũ y, bác sĩ giỏi, kinh nghiệm, có kỹ thuật ngang tầm trong khu vực và thế giới…
Hầu hết cán bộ, nhân viên y tế đều giữ được phẩm hạnh của mình, luôn hoàn thành tốt công việc được giao cả khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Điều này cho thấy để giữ được lời thề nghề nghiệp, với mỗi cán bộ, nhân viên ngành y không dễ. Trải qua sóng gió, khủng hoảng như thiếu thốn vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc, dược phẩm, nhất là thuốc đặc trị bệnh hiểm nghèo, không ít nhân viên, y, bác sĩ các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, chuyển ra làm việc ở bên ngoài. Một số lãnh đạo các cấp từ trung ương đến cơ sở trong ngành y vướng vào vòng lao lý. Lãng phí, tiêu cực liên quan đến đạo đức nghề nghiệp đang xâm lấn khu vực này, ít nhiều ảnh hưởng hình ảnh và lòng tin của xã hội với ngành. Trong cơn sóng gió ấy, sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, sự chung tay của các bộ, ban, ngành, sự ủng hộ sẻ chia thông cảm của người dân đang giúp ngành y sớm ổn định hoạt động.
Xã hội hóa y tế đúng hướng, thay đổi cơ chế quản trị, từng bước chuyển đổi số trong vận hành của các bệnh viện công tư, nhất là cơ chế đấu thầu trang thiết bị, thuốc điều trị, chữa bệnh; cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên, tập trung xây dựng y tế cơ sở, nhất là địa phương, địa bàn khó khăn bằng điều chỉnh nguồn cán bộ, nhân viên có năng lực đảm trách y tế tuyến dưới; hạn chế quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương; rà soát khôi phục nhanh chóng hoạt động của những cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương đặt tại địa phương; xây dựng hoành tráng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Đây được xem là giải pháp căn cơ, hữu hiệu cho hoạt động trị bệnh cứu người.
Công tác bảo hiểm y tế toàn dân cần được thực hiện nghiêm túc, người được hưởng BHYT xứng đáng được thụ hưởng chế độ khám chữa bệnh tương xứng. Thầy thuốc trong các bệnh viện công lập phải là tấm gương để các thầy thuốc bệnh viện ngoài công lập noi theo. Chúng ta nói nhiều nhưng chưa có giải pháp căn cơ, đột phá, cách làm sáng tạo, quyết liệt nên còn xảy ra tình trạng ai muốn chữa bệnh hiệu quả phải có tiền, thật nhiều tiền, trong khi đa số người dân, cán bộ hưởng BHYT là người ít tiền, còn khó khăn.
Những mâu thuẫn ấy kéo dài nhiều thập kỷ chưa có lời hóa giải. Ngành nghề, lĩnh vực khác của đời sống xã hội cũng gặp khó khăn bất cập, mâu thuẫn. Là thầy thuốc muốn như từ mẫu, như mẹ hiền không đơn giản chỉ là yêu cầu tự thân, một phía bởi áp lực công việc đặc thù, lo cơm áo, gạo tiền, quan hệ xã hội. Y, bác sĩ, nhân viên y tế đã từng bị gia đình bệnh hành hung, mắng mỏ, khủng hoảng tinh thần. Trong dòng chảy của cuộc sống đời thường ấy, thầy thuốc cũng mong được quan tâm, động viên, sẻ chia của xã hội, nhất là đối tượng cần đến sự chăm sóc giúp đỡ của họ.
Nghĩ về Ngày kỷ niệm Thầy thuốc Việt Nam, mỗi người bày tỏ theo cách riêng của mình - dành cho đội ngũ lãnh đạo, y, bác sĩ, nhân viên y tế những bông hoa tươi, lời tri ân, động viên chia sẻ, cảm ơn chân thành khích lệ họ làm tròn sứ mệnh cao cả “trị bệnh cứu người” với tâm thế phúc đẳng hà sa. Cứu một người để muôn người hạnh phúc.
Bài viết này thay lời tri ân những cán bộ, nhân viên, y bác sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Và hơn thế, những việc làm tốt, làm hay, tấm gương đẹp của ngành y cần được truyền thông sâu rộng, truyền đi nguồn năng lượng dồi dào, niềm cảm hứng cho mọi người nhằm lấy xây để chống, lấy đẹp dẹp xấu.
VĂN HÙNG