Theo Tổng cục Thống kê, tính sơ bộ, 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 242,43 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đạt 122,48 tỷ USD, tăng 16,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,9 tỷ USD, tăng 23,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 89,6 tỷ USD, tăng 14,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm sơ bộ xuất siêu 2,53 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu hàng thủy sản tăng rất cao 46,8% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sơ bộ đạt 3,6 tỷ USD; dệt may tăng 22,2%, đạt 11,8 tỷ USD; điện thoại và linh kiện tăng 13,7%, đạt giá trị xuất khẩu 20,7 tỷ USD; giày dép tăng 12,2%, đạt 7,3 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,1%, đạt 13,7 tỷ USD; sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tăng 11,2%, đạt 17,7 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 8,3%, đạt 3,8 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 6,7%, đạt 5,6 tỷ USD.
Trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, cà phê tăng cao nhất 57,1%, giá trị đạt 1,7 tỷ USD; thủy sản tăng 46,8%, đạt 3,6 tỷ USD; hạt tiêu tăng 28%, đạt 362 triệu USD; cao su tăng 9,3%, đạt 857 triệu USD.
Về thị trường, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính, có tiềm năng tăng trưởng như những năm trước đây. Các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU) và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022, đặc biệt mặt hàng cà phê với lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA có thể gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu cà phê của EU. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong năm 2022.
Với 15 Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết, mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực hiện từ ngày 01/01/2022, các Hiệp định Thương mại tự do này đang hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường lớn.
Trong năm 2022, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Cơ chế, chính sách xuất khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Các chính sách cũng phải đề ra giải pháp cho các vấn đề nóng, các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội thị trường, phương hướng chung là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới.
Bảo An