Lai Châu: Đảm bảo công tác chống dịch, hỗ trợ phục hồi ngành chè

Dịch COVID-19 đang dần được đẩy lui nhờ vào nỗ lực phủ rộng tiêm vaccine phòng ngừa cho số đông người dân đã dần phát huy hiệu quả. Chuyển sang trạng thái bình thương mới, nhiều doanh nghiệp sản xuất chè tại tỉnh Lai Châu hiện phải đối diện với nhiều thách thức để nhanh chóng ổn định hoạt động…

Giữ vững “vùng xanh”

Mặc dù, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, Lai Châu là một trong những tỉnh “vùng xanh” trên toàn quốc, tuy nhiên, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh luôn quán triệt tinh thần “Không được lơ là, không được tự mãn và phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra”. BCĐ thường xuyên họp trực tuyến với các sở, ngành địa phương và họp nội bộ thông qua các nền tảng mạng xã hội để nghe báo cáo và kịp thời đưa ra các phương án, chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Bùi Tiến Thanh, tình trạng người lao động từ các địa phương khác, nhất là từ Hà Nội trở về địa phương gia tăng khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn thường trực. Do đó, bên cạnh tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng dịch, tỉnh chủ động thực hiện việc giám sát, kiểm soát chặt người nhập cảnh, người về từ vùng dịch, người có yếu tố dịch tễ. Duy trì hoạt động 69 tổ, chốt kiểm soát dọc biên giới, 7 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào tỉnh và 100% thôn bản, tổ dân phố có tổ Covid cộng đồng thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, quyết giữ Lai Châu luôn là “vùng xanh” trên toàn quốc.

Thiết lập các chốt bảo vệ "vùng xanh"
Thiết lập các chốt bảo vệ "vùng xanh"

“Hiện, tỉnh đã có 3 hệ thống xét nghiệm Covid-19, dự kiến công suất xét nghiệm khoảng 1.200 - 1.500 mẫu đơn/ngày. Lực lượng lấy mẫu xét nghiệm được phổ cập, tập huấn, hướng dẫn rộng rãi cho 100% cán bộ y tế và một số cán bộ ngoài ngành y tế, tình nguyện viên. Nâng cấp Bệnh viện Phổi là cơ sở chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, phối hợp với Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Cùng với đó, chuẩn bị nhân lực, giường bệnh, máy thở, oxy y tế, thuốc điều trị; sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến với quy mô 500 giường bệnh và chuẩn bị các phương án đáp ứng khi số ca bệnh tăng cao”, Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Cùng với cả nước, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Tính đến nay, đã tiêm trên 64.000 liều. Mục tiêu trong năm 2021, sẽ có tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm, trong đó, hết quý I.2022, có 70% dân số được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hiện, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng “Sổ Sức khỏe điện tử” trên điện thoại di động và các thiết bị thông minh để quản lý hoạt động tiêm chủng cá nhân và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm và làm cơ sở triển khai hộ chiếu vaccine trong tương lai.

Trong thời gian qua, tỉnh cũng nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo đúng Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và tìm cơ hội việc làm cho người lao động giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp; thường xuyên rà soát, hỗ trợ lao động địa phương đang “mắc kẹt” tại các tỉnh thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ để người dân yên tâm thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”. Đồng thời, tăng cường rà soát người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn để xét nghiệm, phân loại nhằm hỗ trợ, quản lý, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Sở Y tế có phương án quản lý chặt các xe luồng xanh, bảo đảm việc lưu thông hàng hóa nhưng không để xảy ra những lỗ hổng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. UBND các huyện, thành phố cần tập trung xây dựng các “Pháo đài” phòng, chống dịch là các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo lực lượng công an cơ sở, các tổ Covid cộng đồng tiếp tục giám sát chặt di biến động của người dân trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp làm chưa tốt, kém hiệu quả, vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là sự đồng lòng, đoàn kết của người dân chính là nền tảng vững chắc để bảo vệ vững chắc thành quả phòng chống dịch.

Tìm kiếm giải pháp tối ưu cho ngành chè của Tỉnh

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, đối với tỉnh Lai Châu, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay Lai Châu đang định hướng một số cây trồng chính để tập trung phát triển. Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó chè được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ; chuối đang phát triển mở rộng tương đối tập trung để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp đầu tư vào trồng chè, chuối đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động... Tuy nhiên, hiện nay do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước nên các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đình trệ trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè chuối đang gặp khó khăn cần bàn các giải pháp để tháo gỡ.

Ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang gặp phải những khó khăn nhất định
Ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang gặp phải những khó khăn nhất định

Đối với sản phẩm chè: Đến hết tháng 8 toàn tỉnh có 8.461 ha, trong đó chè kinh doanh có 5.970ha với sản lượng chè khô chế biến dự kiến năm 2021 đạt 9.777 tấn. Ước sản lượng chè khô chế biến từ đầu năm đến hết tháng 8 đạt 6.933 tấn; số lượng tiêu thụ 4.688 tấn (bao gồm cả lượng tồn đọng năm 2020); số lượng còn tồn kho, chưa tiêu thụ (đến 25/8/2021) là 3.030 tấn.

Nguyên nhân tồn đọng, chưa tiêu thụ được sản phẩm chè là do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước nên các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đình trệ trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu; giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao, thiếu vỏ container để đóng hàng.

Đặc biệt từ đầu tháng 8 năm 2021, tình hình chính chính trị tại Afganistan có sự biến động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu chè, khách hàng yêu cầu giảm giá, hoãn thời gian giao hàng hoặc hủy đơn hàng dẫn đến số lượng chè sau chế biến tồn kho lớn. Thị trường tiêu thụ nội địa của sản phẩm chè Lai Châu còn rất hạn chế do chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã chưa cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các vùng chè truyền thống như: Thái Nguyên, Lâm Đồng…

Đối với những khó khăn của ngành chè tại tỉnh Lai Châu, đại diện một số doanh nghiệp trong tỉnh cũng đề xuất một số giải pháp như: Cho phép thành lập Hiệp hội chè của tỉnh Lai Châu nhằm tập hợp các doanh nghiệp, cùng định hướng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu; đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, quy hoạch lại diện tích chè (vùng nguyên liệu) để thâm canh theo chứng nhận, tức là căn cứ vào tiêu chuẩn của thị trường các nước, xây dựng chứng nhận gắn với nhu cầu của thị trường; các doanh nghiệp sản xuất chè cần đa dạng hóa sản phẩm; tháo gỡ cho doanh nghiệp lượng hàng tồn kho; có chính sách thâm canh vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, giá trị trên 1ha chè; phối hợp với nước bạn Trung Quốc để bàn bạc song phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để xuất khẩu …

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đánh giá rất cao các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã có mặt tại buổi làm việc với các ý kiến đề xuất rất hữu ích cho các cơ quan có thẩm quyền, từ đó tạo sự gắn kết, kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp và chính quyền trong quan điểm phát triển chung.Ông cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực và những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp đã luôn đồng hành với tỉnh trong những năm qua, góp phần tạo sinh kế cho hàng nghìn người lao động trong tỉnh.

Đi thẳng vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Đối với ngành chè, đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải sớm tổ chức buổi làm việc với một số công ty tại Hà Nội để sớm tiêu thụ các sản phẩm chè còn tồn đọng. Đối với việc tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm, giao Sở Công thương phải rà soát, thống kê cụ thể về số lượng doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn nào, thị trường nào, từ đó làm cơ sở để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và UBND tỉnh sẽ vào cuộc quyết liệt.

Chia sẻ khó khăn về vốn của các doanh nghiệp, ông Trần Tiến Dũng giao cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính làm việc với Ngân hàng Nhà nước rà soát lại, nghiên cứu phương thức đáo hạn, gia hạn nợ, thanh khoản để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng các kênh khác nhau.

Đồng thời cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu các nghị quyết mới ban hành của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó khai thác hiệu quả các chính sách để phát triển.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.