Đảm bảo cuộc sống người dân
Tỉnh Lai Châu hiện có trên 7.500 ha chè, trong đó có khoảng 4.500 ha chè kinh doanh đang áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP... Tổng sản lượng chè búp tươi hàng năm khoảng trên 31.000 tấn. Chè được coi là cây chiến lược trong xóa đói giảm nghèo của chính quyền địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn.
Đứng trước tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và bất ổn chính trị tại Trung Đông đang khiến việc xuất khẩu chè của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn vẫn đang nỗ lực thu mua, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động và bà con nông dân.
Nương chè tại bản Thành Công, xã San Thàng, thành phố Lai Châu những ngày này tấp nập người thu hái, cắt chè. Đây là một trong những lứa chè chính vụ trong năm, có sản lượng chè búp tươi được dự báo sẽ tăng khoảng 30% so với lứa chè trước. Được doanh nghiệp tạo điều kiện thu mua sau nhiều ngày tạm dừng, nên bà con rất hăng hái thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Thủy, người trồng chè ở bản Thành Công, xã San Thàng chia sẻ: Gia đình chị có 5 nhân khẩu, sống phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ hơn 1,5 ha chè. Do doanh nghiệp thu mua gặp khó khăn về xuất khẩu chè khô, nên giá chè búp tươi có giảm so với thời điểm đầu năm, nhưng doanh nghiệp cứ thu mua là bà con còn có thu nhập. Mong doanh nghiệp sẽ đứng vững trước dịch bệnh, chè búp tươi cũng được giữ giá để bà con ổn định cuộc sống.
“Trước tình hình dịch bệnh rất phức tạp hiện nay, việc tiêu thụ chè của người trồng chè chúng tôi rất khó khăn. Nếu mà công ty không thu mua thì chè đến lứa là chúng tôi cũng phải bỏ đi. Công ty cũng đã thông báo là chè hiện nay tiêu thụ rất chậm, bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Giờ sản xuất ra cũng chủ yếu là để lưu kho; vì vậy bà con rất chia sẻ với những khó khăn của công ty và cũng rất mong muốn công ty tiếp tục đồng hành để tiêu thụ chè cho bà con như hiện nay” - chị Nguyễn Thị Thủy nói.
Chị Nguyễn Thị Điệp, công nhân Công ty Cổ phần chè Tam Đường cho biết “Công việc chúng tôi vẫn được làm đều, lương và thu nhập thêm vẫn được nhận đầy đủ hàng tháng. Với mức đồng lương của chúng tôi công ty vẫn trả đều như thế thì về cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Trong mùa dịch thì có nhiều vấn đề phức tạp, nhưng những hỗ trợ về việc làm thì công ty vẫn hỗ trợ hoàn toàn, kể cả hỗ trợ về thiết bị y tế, cả khám, tiêm, rồi test Covid-19 và các thứ khác công ty cũng đảm hỗ trợ hết” - chị Nguyễn Thị Điệp nói.
Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường cho biết: Hiện công ty có 4 nhà máy sản xuất, đang tạo việc làm cho hơn 100 công nhân. Với 2.000 ha chè đã ký kết với với bà con nông dân hiện nay, nếu công ty ngừng thu mua thì sẽ có khoảng 8.000 người nông dân mất việc làm. Vì thế, dù sản phẩm tiêu thụ có chậm, thậm chí đang tồn kho hơn 600 tấn chè khô, nhưng công ty vẫn đang cố gắng khắc phục để thu mua chè búp tươi cho bà con.
“Với quy mô công ty đã đầu tư về hạ tầng, máy móc thiết bị, cũng như là giữa doanh nghiệp và người dân cũng đã có những mối liên kết thì công ty chúng tôi vẫn tìm các giải pháp. Trong năm 2021 vẫn tổ chức các cuộc họp để tuyên truyền, vận động, rồi lắng nghe ý kiến của bà con nông dân. Thứ hai là công ty cam kết tạm ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân, đến thời điểm này là trên 10 tỷ đồng; cam kết bao tiêu hết sản phẩm cho bà con nông dân với giá bình ổn bằng giá của năm 2019” - bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ.
Giải quyết đầu ra cho nông sản
Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường Lai Châu cho rằng, Lai Châu có trên 80% sản phẩm chè phụ thuộc vào một thị trường chủ yếu ở Trung Đông. Do vậy, bà Loan đề xuất, UBND tỉnh Lai Châu cần thành lập Hiệp hội chè Lai Châu để thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn về thị trường nhiều nước chứ không tập trung vào một thị trường.
Cùng với chính sách hỗ trợ trồng mới, UBND tỉnh Lai Châu cần có thêm chính sách thâm canh vùng nguyên liệu để tạo năng suất chất lượng mang lại giá thành cao. Bà Loan cho biết, công ty mong muốn UBND tỉnh Lai Châu có nguồn ngân sách cho các doanh nghiệp làm chè vay ngốn ngắn hạn để bình ổn giá, chi trả tiền cho bà con.
Đứng trước tình trạng sản phẩm nông sản tồn đọng, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến trao đổi với cơ quan chức năng bên Trung Quốc để hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Ma Lù Thàng sớm tiếp tục thông thương để xuất khẩu hàng nông sản. Đề nghị Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường: châu Á- châu Phi, châu Âu - châu Mỹ, tham tán thương mại tại nước ngoài tìm kiếm thị trường và tháo gỡ cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh nhất là chuối, chè.
Ông Nguyễn Sỹ Chín – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sở phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử: Posttmart.vn, voso.vn nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong, ngoài nước. Hỗ trợ 21 lượt doanh nghiệp quảng bá, kết nối đưa sản phẩm nông sản (chè, gạo, miến dong, rượu) vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn; tham gia gian hàng trên Alibaba.com, Amazon.com, Sendo.vn, Lazada.vn… để giới thiệu, bán sản phẩm”.
Để đảm bảo thuận lợi cho việc sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương hướng dẫn nông dân trong khâu sản xuất, thông tin kịp thời đến các vùng trồng trọt, nuôi trồng thủy sản về tình hình dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là những khó khăn trong tiêu thụ hiện nay; khuyến cáo người dân không tự ý mở rộng quy mô sản xuất để tránh thu hoạch cùng lúc. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và chỉ đạo phòng trừ kịp thời sâu bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi nhất là vùng sản xuất nông sản tập trung.
Ông Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, Sở chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh nông sản về quy trình, kỹ thuật sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ của tỉnh.
Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, chuối trên địa bàn tỉnh, ông Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng doanh nghiệp rà soát cụ thể từng loại mặt hàng, kiểm kê các sản phẩm, số lượng, chất lượng để tìm kiếm thị trường phù hợp. UBND tỉnh sẽ phối hợp các ngân hàng trên địa bàn rà soát, đáo hạn, gia hạn nợ, thanh khoản lại để tìm hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX.
Trong khi chờ sở, ngành cùng tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, các doanh nghiệp, HTX vẫn tìm mọi cách hỗ trợ thu mua nông sản cho bà con. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tình hình tại Afganistan, Trung Đông vẫn căng thẳng; doanh nghiệp đề xuất tỉnh xem xét cho vay nguồn vốn ngắn hạn để duy trì hoạt động, sản xuất, kinh doanh và trả nợ cho người dân khi mua nguyên liệu.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.