Lãi trước thuế hợp nhất của PVN ước đạt 42.500 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2023, vượt 22% kế hoạch năm

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam (PVN) cho biết, nhờ thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2023 các chỉ tiêu tài chính của tập đoàn cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch và tích cực hơn so mức giảm của giá dầu và suy giảm sản lượng với một số sản phẩm do tác động từ các yếu tố khách quan.

Lãi trước thuế hợp nhất của PVN ước đạt 42.500 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2023, vượt 22% kế hoạch năm.  
Lãi trước thuế hợp nhất của PVN ước đạt 42.500 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2023, vượt 22% kế hoạch năm.  

Cụ thể, Trong 9 tháng đầu năm, Petrovietnam đảm bảo sản lượng khai thác dầu trong và ngoài nước ở mức cao. Các nhà máy, xí nghiệp vận hành an toàn, ổn định, công suất cao, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng; đảm bảo cung cấp khí tối đa cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ ngoài điện; sản lượng sản xuất điện, xăng dầu, đạm và nhiều sản phẩm chủ lực khác đều ở mức cao, vượt kế hoạch được giao, đóng góp quan trọng cho sản xuất của các ngành kinh tế khác và an ninh năng lượng đất nước.

Petrovietnam đạt sản lượng khai thác dầu 7,85 triệu tấn, vượt 14,1% kế hoạch 9 tháng, bằng 84,6% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 6,51 triệu tấn, vượt 16,8% kế hoạch 9 tháng, bằng 86,5% kế hoạch năm; Khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 1,34 triệu tấn, vượt 2,7% kế hoạch 9 tháng, bằng 76,2% kế hoạch năm.

Sản lượng khai thác khí 9 tháng đạt 5,76 tỷ m3, vượt 11% kế hoạch 9 tháng, bằng 72,1% kế hoạch năm (kế hoạch năm 7,94 tỷ m3). Sản xuất cung ứng điện 9 tháng đạt 17,55 tỷ kWh, vượt 1,2% kế hoạch 9 tháng, bằng 73,1% kế hoạch năm, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2022 (12,06 tỷ kWh).

Sản xuất đạm 9 tháng đạt 1,30 triệu tấn, vượt 5,2% kế hoạch 9 tháng, bằng 81% kế hoạch năm, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhờ thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn cũng hoàn thành vượt mức cao kế hoạch và tích cực hơn so với mức giảm của giá dầu và suy giảm sản lượng với một số sản phẩm do tác động từ các yếu tố khách quan.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 9 tháng ước đạt 643.000 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch 9 tháng, bằng 95% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 102.000 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch năm 2023 (đã hoàn thành kế hoạch cả năm 78.000 tỷ đồng trước 5 tháng).

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn 9 tháng ước đạt 42.500 nghìn tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch năm.

Lãi trước thuế hợp nhất của PVN ước đạt 42.500 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2023, vượt 22% kế hoạch năm - Ảnh 1

Bên cạnh đó, Công tác đầu tư của PVN được tập trung trọng điểm, quyết liệt tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, đưa nhiều dự án, công trình trọng điểm vào hoạt động, tạo những bước chuyển biến tích cực như: Hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ ngày 27/4/2023, góp phần giải quyết khó khăn cho đất nước giai đoạn thiếu điện; thử vỉa thành công và cho kết quả tốt giếng khoan thẩm lượng Đại Hùng Nam-4X, lưu lượng khoảng 6.350 thùng dầu/ngày và 4,5 triệu bộ khối khí/ngày, bảo đảm đủ điều kiện để phát triển thương mại, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất; chuẩn bị khánh thành kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải (kho cảng LNG đầu tiên và lớn nhất Việt Nam); các dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4; chuỗi dự án Lô B, các dự án nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV... đều được ưu tiên tập trung triển khai cao độ.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản hợp nhất của PVN ước đạt 998 nghìn tỷ đồng, giá trị thương hiệu Petrovietnam đạt 1,382 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so năm 2019) với chỉ số sức mạnh thương hiệu ở mức AA-; Petrovietnam góp mặt trong Tốp 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (Brand Finance) và dẫn đầu các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 (PROFIT 500 - Vietnam Report).

Được biết, Petrovietnam có Tên giao dịch quốc tế là VIETNAM OIL AND GAS GROUP, gọi tắt là PETROVIETNAM (viết tắt là PVN) là công ty nhà nước được tiến hành các hoạt động dầu khí và ký kết hợp đồng dầu khí với tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí theo quy định của pháp luật.

Là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Tập đoàn có đội ngũ lao động hùng hậu với số lượng gần 60.000 người, có trình độ cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài nước.

Đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

Là tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay Tập đoàn đang triển khai thực hiện hoạt động dầu khí tại 14 nước trên thế giới.

Là nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Nghi Sơn - Thanh Hoá...

Là đơn vị nòng cốt, chủ lực của ngành Dầu khí; là trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển; đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tầm nhìn chiến lược đến 2035, PVN đặt mục tiêu phát triển ngành Dầu khí Việt Nam thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao; chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

Tiến Hoàng