Quá trình chế biến
Trà xanh khi chế biến không trải qua quá trình lên men (hay còn gọi là không bị oxy hóa) nên khi pha ra trà xanh vẫn giữ được màu nước vàng xanh.
Trà đen khi chế biến trải qua quá trình lên men hoàn toàn (hay còn gọi là bị oxy hóa hoàn toàn). Chính nhờ phản ứng lên men mà trà đen có mùi thơm đặc biệt, khi pha nước trà đen có sắc đỏ, thường được gọi là hồng trà.
Nồng độ oxy hóa
Nồng độ oxy hóa tùy theo từng chủng loại trà. Oxy hóa là yếu tố tác động đến màu, hương và vị của loại trà đó. Cụ thể, trà đen có mức độ oxy hóa cao nhất, còn trà xanh không áp dụng quá trình oxy hóa.
Trà xanh được làm từ lá trà chế biến bằng cách sao trà trong chảo nóng sau đó trải qua quá trình làm nguội nhanh do đó mà không làm trà bị oxy hóa, giữ được trạng thái màu sắc xanh của trà.
Trà đen thì lại khác, cũng được làm từ lá trà giống như trà xanh nhưng lại được ủ men oxy hóa. Khi trà bị oxy hóa thì các enzym có trong lá trà sẽ bị tối màu đi. Do trong quá trình oxy hóa đã chuyển đổi các chất Polyphenol trong trà (catechin) thành các hợp chất oxidase, đáng chú ý nhất là còn tạo ra chất theaflavin và thearubigins. Theaflavins làm cho hương vị trà khi pha có vị mạnh hơn.
Ngoài ra, chính nhờ phản ứng lên men mà trà đen có mùi thơm đặc biệt,khi pha nước trà có màu đỏ nên trà đen còn được gọi là “Hồng trà”. Trà đen có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa các tế bào rất tốt.
Lượng caffeine có trong trà đen và trà xanh
Xét về nồng độ caffeine thì trà xanh có ít hơn trà đen. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Hàm lượng caffeine trong trà phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như về giống cây trồng, phương pháp sản xuất cũng như phương pháp ngâm. Hàm lượng caffeine của trà xanh thường từ 24-40mg ở mỗi ly trong khi hàm lượng này ở trong một ly trà đen lại có độ dao động lớn hơn khoảng 14-61mg.
Nếu như trà đen là loại trà rất tốt cho việc chống lão hóa thì trà xanh lại có thành phần L-thianine giúp tăng hoạt tính của chất truyền thần kinh ức chế GABA - nguyên nhân gây ra lo lắng.
Mức độ của các hợp chất và công dụng
Cả trà đen và trà xanh đều có cùng loại của các hợp chất Phenolic nhưng thành phần của các hợp chất này trong trà đen và trà xanh lại khác nhau đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà xanh do không trải qua quá trình oxy hóa do vậy mà có chứa thành phần Catechin cao hơn trà đen. Đây là chất được theanin biến đổi thành trong lá trà xanh tươi và khi chế biến thành trà xanh khô thì theanin cũng biến thành catechin có tác dụng chống lại hoạt động của các gốc tự do. Các gốc tự do này vốn là những tác nhân gây nên các tổn thương ở màng tế bào của cơ thể, và nó cũng là tiền đề đưa đến nhiều bệnh mãn tính, hoặc làm tăng các nguy cơ bệnh ác tính.
Không chỉ vậy Polyphenols (một hợp chất của phenolic): tạo nên vị chát khi uống trà, có tác dụng ức chế sự hình thành các gốc tự do. Thông qua tác dụng này, trà xanh ngăn chặn sự phát triển các loại u, bướu (bướu lành hoặc bướu ác), hoặc chống các mỡ xấu bám vào thành mạch gây xơ vữa thành mạch.
Trong khi đó thì trà đen do được ủ men oxy hóa mà có những biến đổi về thành phần nhất định. Màu đen của trà là do quá trình chế biến, khi lên men gây oxy hóa các polyphenol của trà tươi. Trong giai đoạn phản ứng sinh hóa lúc trà lên men, đó là sự oxy hóa của catechin do polyphenol oxidase cho ra chất Theaflavin monogallate và Thearubugins, tùy thuộc vào các điều kiện mà nhà sản xuất mong muốn cho sản phẩm của mình mang các hương vị đặc biệt mà cho liều lượng thời gian, nhiệt độ và ánh sáng trong các giai đoạn lên men, nhưng nói chung các thành phần có trong trà đen sau chế biến như vừa nêu đều có tác dụng là ngăn chặn và ức chế hoạt động của các gốc tự do và chống nhiễm trùng.
Ngoài ra, trong trà xanh tươi, khô, hay cả trà đen còn có một số thành phần các chất khác với liều lượng nhỏ như:
- Fluoride cần thiết cho sự chắc răng và xương
- Aluminum nếu lượng lớn sẽ là một chất độc nguy hiểm vì sẽ tích tụ vào não gây ra bệnh Alzheimer’s, với lượng nhỏ từ 1 - 3% thì vô hại, và lại rất hiệu nghiệm trong việc trung hòa các acid dạ dày giúp điều trị hội chứng dạ dày do viêm hoặc loét… trong trà đen thành phần aluminum không quá 3%
- Manganese: là một thành phần cần thiết cho nhiều loại enzyme trong hoạt động cơ thể, trong đó có giúp tăng cường hoạt động hệ miễn dịch, tăng thêm sự hoạt động của các chất chống oxiy hóa, giúp cho calcium đi thẳng vào xương hỗ trợ và ngăn ngừa bệnh loãng xương.
Hoài Nam (t/h)