Làng Chè Tây Nguyên – Điểm hẹn lý tưởng của “Đà Lạt thứ hai”

Với mục đích bảo tồn nghề chè và giới thiệu, nâng tầm giá trị cây chè ở địa phương, Chi hội Sản vật Tây Nguyên đã cùng nhau thành lập khu trải nghiệm, điểm thăm quan mang tên Làng Chè Tây Nguyên. Đây là điểm hẹn lý tưởng của “Đà Lạt thứ hai”.

Nằm trong con hẻm số 41 Lạc Long Quân, thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), Làng Chè Tây Nguyên có diện tích hơn 20 ha với những đồi chè xanh mướt trải dài tít tắp, đây là điểm du lịch sinh thái mới được mọi người yêu thích.

Làng Chè Tây Nguyên – Khu sinh thái chè thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng)  
Làng Chè Tây Nguyên – Khu sinh thái chè thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng)  

Tận dụng những lợi thế có sẵn để xây dựng chương trình phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau, đến nay Không gian văn hóa trà của Làng Chè Tây Nguyên đã đón tiếp hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm và thưởng thức những phẩm trà nổi tiếng của vùng đất Lâm Đồng. Không gian thưởng trà khá rộng lớn, nằm biệt lập với khu vực sản xuất. Du khách sẽ có cơ hội “mục sở thị” ngôi nhà sàn truyền thống có lối kiến trúc bắt mắt, các bàn thưởng trà gỗ được sắp xếp ấn tượng cùng các công cụ sản xuất chè truyền thống. Ngoài ra, quý khách còn được tham quan quy trình chế biến chè đặc sản. Thú vị nhất là được tự tay thu hái những búp chè, được hướng dẫn quy trình chế biến chè bằng phương pháp truyền thống.

Làng Chè Tây Nguyên – Điểm hẹn lý tưởng của “Đà Lạt thứ hai” - Ảnh 1
Du khách trải nghiệm hái trà, làm trà tại Làng Chè Tây Nguyên  
Du khách trải nghiệm hái trà, làm trà tại Làng Chè Tây Nguyên  

Ông Thân Văn Sửu – Chủ tịch Chi hội Sản Vật Tây Nguyên chia sẻ: Toàn bộ đồi chè nơi đây được giữ nguyên, không phá bỏ cây chè nào, chúng tôi tận dụng bờ bao giữa các hàng chè để xây dựng các tiểu cảnh, khu nhà sàn, mô phỏng nhà sàn truyền thống của người Tây Nguyên và khu ẩm thực với mô hình cối xay gió... Đến đây, du khách đến sẽ cảm nhận được sự khác biệt của chè Lâm Đồng so với vùng miền khác thông qua việc trải nghiệm là người công nhân chè (như hái, sao, sấy) và thưởng thức ẩm thực được chế biến, kết hợp với chè.

“Chè là cây ‘lộc trời’ vì nó cho thu hoạch nhiều đợt trong năm. Ngoài ra, đây cũng là cây công nghiệp dài ngày, trồng một lần cho thu hoạch nhiều năm (từ 30 - 50 năm). Hiện, đơn vị đang đồng hành cùng người dân địa phương phát triển và nâng tầm hiệu quả kinh tế từ cây ‘lộc trời’ này không chỉ trên phương diện sản xuất thành phẩm chè mà còn đầu tư phát triển du lịch sinh thái”, ông Sửu nói.

Để những đồi chè của Làng Chè Tây Nguyên trở thành sản phẩm du lịch, các thành viên của Chi hội Sản vật Tây Nguyên đã cùng nhau đầu tư xây dựng các điểm thăm quan từ đồi chè kết hợp với nhà máy sản xuất, phòng trưng bày, thưởng thức và mua sản phẩm; mở rộng hệ thống bán, giới thiệu sản phẩm ra ngoài vùng trồng, sản xuất, tập trung ở các khu du lịch nhằm tạo ấn tượng và trở thành địa chỉ tin cậy đáp ứng, kích thích nhu cầu đối với du khách. Làng Chè Tây Nguyên luôn tập trung nâng cao, phát triển chất lượng dịch vụ cũng để du khách có thể thăm thú những luống chè được trồng thẳng hàng đẹp mắt và tìm hiểu đời sống vật chất, trải nghiệm văn hóa của người trồng chè ở địa phương. Đây cũng là cách góp phần quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè Lâm Đồng đến với người tiêu dùng.

Có thể thấy, các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, việc phát triển du lịch cũng tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ.

Làng Chè Tây Nguyên làm “dày” thêm mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm vùng chè Lâm Đồng, việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, tham quan nhà máy chế biến chè sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè Lâm Đồng đến với người tiêu dùng.

Hương Trà