Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, huyện Bắc Hà đã định hướng phát triển các cây trồng chủ lực, trong đó chú trọng cải tạo, trồng mới, trồng dặm bổ dung diện tích bị mất khoảng phát triển vùng chè shan tuyết, định hướng đến năm 2025 và năm 2030, phấn đấu diện tích 1.300 ha tại các xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ, trong đó diện tích được chứng nhận hữu cơ 1.144ha.
Tính đến hết tháng 7 năm 2023, tổng diện tích chè Shan tuyết trên địa bàn huyện Bắc Hà đạt 1.036ha tại 02 xã Bản Liền (873ha) và Tả Củ Tỷ (163ha). Trong đó, gần 700 ha tại xã Bản Liền chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ EU, Canada, Hoa Kỳ,...; chứng nhận Cục an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA); chứng nhận Thương mại công bằng Fairtrade (FloCert CHLB Đức). Đây được coi là chuỗi sản xuất giá trị sản xuất nông nghiệp hoàn chỉnh, tiêu biểu, bền vững, gắn kết mật thiết giữa người nông dân với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ từ năm 2004 đến nay.
Vùng sản xuất chè hữu cơ đã tạo công ăn việc làm và thu nhập thường xuyên, ổn định cho trên 300 hộ với hơn 1.500 lao động tại 04 thôn (08 nhóm) người dân tộc tày của xã Bản Liền. Năm 2022, giá thu mua chè búp tươi trung bình 17.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm chè thu hoạch/ha trên đạt 96 triệu đồng. Doanh thu từ cây chè shan tuyết đạt trên 63,5 tỷ đồng, chiếm 5,3% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Năm 2023, giá thu mua chè tươi 6 tháng đầu năm tăng 2.000 đồng/kg nâng giá chè búp tươi lên 19.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm chè thu hoạch/ha trên đạt 107 triệu đồng. Giá trị thu nhập đạt trên 94 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng giá trị ngành nông nghiệp.
Nằm cách trung tâm huyện Bắc Hà hơn 30 km, xã vùng cao Bản Liền từ lâu nổi tiếng là vùng chuyên canh chè hàng đầu của tỉnh Lào Cai với nhiều cây chè Shan cổ thụ. Những sản vật này đang được người dân quan tâm đầu tư, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, vừa đảm bảo an toàn, vừa lưu giữ được hương vị đặc trưng, mang tính khác biệt và đã tạo được thương hiệu, có mặt tại nhiều thị trường. Chè Bản Liền nổi tiếng có màu nước đẹp, khi pha nước trà có màu xanh nhạt quyện lẫn màu vàng nhạt như mật ong rừng, có hương thơm quyến rũ. Nước chè có vị ngọt thơm để lại vị ngọt lâu trong miệng sau khi uống…
Hiện toàn xã Bản Liền có khoảng trên 600 ha chè Shan, trong đó có đến hơn 400 ha được công nhận “chè hữu cơ” với 310 hộ dân tham gia liên kết sản xuất. Đặc biệt, từ sau khi sản phẩm của Hợp tác xã chè Bản Liền Bắc Hà đạt chứng nhận OCOP 5 sao, giá trị kinh tế từ cây chè đã được nâng lên rõ rệt.
Tìm hiểu được biết, không chỉ riêng xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tại nhiều địa phương ở Lào Cai, cây chè đã thực sự khẳng định rõ vai trò cây trồng chủ lực. Theo thống kê, toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng trên 7.340 ha chè trồng tập trung, trong đó, có 4.868 ha chè kinh doanh, hơn 2.470 ha chè kiến thiết cơ bản. Người trồng chè ở Lào Cai trồng một số giống chè chủ yếu như: chè Shan, chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Ô Long, Thúy Ngọc…), chè lai, chè trung du. Năng suất chè búp tươi năm 2022 đạt 76,3 tạ/ha. Năm 2022, sản lượng chè búp tươi đạt 39.155 tấn; giá trị sản xuất từ cây chè đạt 274 tỷ đồng.
Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai khóa XVI đã Ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó xác định chè là 1 trong 5 loại cây trồng chủ lực. Thực hiện Nghị quyết số 10, Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển cây chè theo hướng hiệu quả, bền vững. Nhờ đó, đến đầu năm 2023, Lào Cai đã có trên 827ha chè sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (trong đó, 100ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap; trên 727ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ). Sản phẩm chè hữu cơ của Lào Cai đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, một số thị trường Trung Đông và thị trường Đài Loan (sản phẩm chè Ô Long)…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Bắc Hà đã thu hoạch được 2.048 tấn chè búp tươi đạt 41,2% kế hoạch (KH), tăng 126,5% so với cùng kỳ (CK), tương đương 393,8 tấn chè khô, giá chè búp tươi thu mua ổn định, tăng nhẹ, giá trị ước đạt trên 34 tỷ đồng. Đồng thời, huyện Bắc Hà cũng đã triển khai trồng mới 156ha/215ha đạt 72,6%KH năm 2023 và trồng dặm các diện tích chè bị mất khoảng, chủ yếu tập trung tại 02 vùng chuyên canh chè Shan tuyết nổi tiếng trong nước và thế giới; Bản Liền và Tả Củ Tỷ. 6 tháng cuối năm 2023, huyện phấn đấu trồng mới thêm 59 ha chè Shan tuyết, đạt 100% KH trồng mới 215 ha, nâng tổng diện tích chè toàn huyện đạt 1.175ha, sản lượng ước đạt 4.970 tấn, giá trị ước đạt 84,490 tỷ đồng chiếm 6,4% tổng giá trị ngành nông nghiệp, tăng 20,8% giá trị so với năm 2022.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, huyện Bắc Hà đã định hướng phát triển các cây trồng chủ lực, trong đó chú trọng cải tạo, trồng mới, trồng dặm bổ dung diện tích bị mất khoảng phát triển vùng chè shan tuyết. Cụ thể phấn đấu đến năm 2025, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các Chương trình mục tiêu Quốc giá để cải tạo, trồng mới, trồng dặm và chăm sóc diện tích chè mất khoảng đảm bảo mật độ nhằm tăng năng suất, chất lượng cây chè với diện tích 1.300ha tại các xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ, trong đó diện tích được chứng nhận hữu cơ 1.144ha. Đến năm 2030, tập trung thâm canh, chăm sóc và duy trì diện tích chè hiện có. Chú trọng phát triển sản xuất chế biến sâu, đa dạng hoá các sản phẩm từ chè theo hướng xuất khẩu.
Việc hình thành các vùng sản xuất chè tập trung theo hướng hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Hiện tại, đã phát triển được vùng chè tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, với hàng ngàn ha được áp dụng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, sản xuất chè hữu cơ, chè chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Chất lượng vùng chè nâng lên rõ rệt đã hình thành vùng sản xuất liên kết chế biến ổn định cho các huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng. Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương Nhài...
Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho biết, hiện toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng chè có năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng như: Bản Liền (Bắc Hà); Lùng Vai, Cao Sơn (Mường Khương); Phong Hải, Phú Nhuận (Bảo Thắng); … một số sản phẩm chế biến đã được đạt chứng nhận OCOP đạt từ 3 đến 5 sao (trong đó, sản phẩm Hợp tác xã chè Bản Liền Bắc Hà đạt 5 sao). Việc phát triển các loại cây trồng chủ lực nói chung, nhất là phát triển cây chè gắn với vùng chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã mở ra cơ hội giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát triển mạnh các sản phẩm sạch, sản phẩm có nguồn gốc chất lượng cao và tạo ra sự liên kết giữa các vùng sản xuất; từ đó xây dựng thương hiệu hàng hóa của từng địa phương, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân.
Với mục tiêu duy trì vai trò cây trồng chủ lực của cây chè, ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã đề ra kế hoạch năm 2023 trồng mới 1.055 ha chè, mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè tập trung toàn tỉnh đạt 8.420 ha và tập trung đầu tư thâm canh trên 5.000 ha chè kinh doanh theo hướng sản xuất an toàn; nâng cao năng suất, chất lượng chè ổn định trên 10 tấn/ha/năm.
Đặc biệt, để tiếp tục phát huy thế mạnh từ sản xuất chè trên địa bàn, tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân các địa phương trong tỉnh, tích cực tham gia sản xuất trồng chè có chất lượng, theo hướng canh tác hữu cơ, bền vững. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cần chủ động phối hợp với các địa phương đảm bảo đủ giống chè đạt chất lượng cho nhu cầu trồng năm 2023. Đảm bảo 100% diện tích chè kinh doanh áp dụng các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả trong thâm canh. Hướng dẫn chăm sóc thu hái chè kinh doanh theo đúng quy trình trồng, thâm canh, chăm sóc chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng khâu bảo quản và vận chuyển nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt phục vụ chế biến...
PHI LONG/VPTB