Tương truyền ngày xưa, do thiên tai người dân quanh vùng phải rơi vào tình trạng đói kém thê thảm. Cùng với đó, dịch bệnh tràn lan khiến cho người dân càng thêm lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. Lúc này, làng Phùng Khoang đã được vua cho nấu cháo, nắm cơm để phát cho người dân. Một cậu bé khi nhận được cơm vua ban đã chia cho bốn cậu bé khác cùng ăn. Về sau, năm người này kết nghĩa anh em, cùng nhau lập nghiệp, tạo dựng nên những ngôi làng trù phú, chính là 5 làng Mọc sau này.
Cũng từ đó, Lễ hội 5 làng Mọc dần được hình thành từ tục kết chạ giữa năm làng với ý nghĩa vừa kết thân vừa tương trợ lẫn nhau. Lễ hội được tổ chức tại bốn đình thuộc hai quận, gồm Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân thuộc phường Nhân Chính và Phùng Khoang thuộc phường Trung Văn. Lễ hội diễn ra từ mùng 10 đến 12 tháng Hai (âm lịch) vào những năm “phong đăng hòa cốc” (mùa màng tươi tốt), nhằm tri ân công lao của các vị thành hoàng làng. Sau nhiều năm chiến tranh, lễ hội bị gián đoạn (từ năm 1945). Đến năm 1992, các làng đã khôi phục lễ hội và luân phiên đăng cai tổ chức.
Trước ngày diễn ra lễ hội 5 làng Mọc, cộng đồng người dân và chính quyền địa phương sẽ cùng nhau họp bàn chuẩn bị. Người dân sẽ lựa chọn những cá nhân đảm nhận những vai trò chính trong lễ hội như bầu hậu (điều hành lễ hội, là người cao tuổi và am hiểu nghi lễ của làng, được người dân tín nhiệm). Ngoài ra, họ sẽ bầu ông Khởi chỉ - người phục vụ lễ hội, ông bà Tổng cờ, đội tế, đội múa bài bông, đội rước kiệu...
Nhóm người được chọn phải là những người khỏe mạnh, gia đình không vướng tang để tập luyện trước khi vào lễ. Ngoài ra, người dân cũng sẽ chuẩn bị những lễ vật dâng Thánh với mâm lễ chung do cụ Từ chuẩn bị, bên cạnh những mâm lễ riêng của các xóm do các cụ cao tuổi, những dòng họ, gia đình tự sắp xếp. Mỗi làng sẽ chuẩn bị một kiệu gồm xôi, thủ lợn, oản, quả để mang đến làng đăng cai.
Sáng sớm ngày khai hội, các bậc cao niên sẽ tiến hành những nghi thức quan trọng gồm: Lễ mở cửa đình, lễ rước nước, lễ mộc dục (tắm thánh), lễ phong y (mặc áo, đội mũ) để hôm sau chính thức bước vào lễ hội. Ngày 12 tháng Hai được mở đầu bằng đám rước có quy mô lớn. Các làng sẽ rước thánh tại đình làng mình, sau đó đi qua làng nào thì làng đó sẽ ra đón rồi cùng tới đình làng đăng cai để dự lễ tế hội đồng. Lễ rước kiệu Thánh của các làng là điểm nhấn đặc sắc của Lễ hội 5 làng Mọc bởi không khí hân hoan, vui tươi, trong đó đỉnh cao là màn kiệu “bay”. Người dân tin rằng, kiệu “bay” là biểu hiện niềm vui hội ngộ giữa các thánh.
Khi phần lễ kết thúc cũng chính là lúc phần hội của lễ hội 5 làng Mọc chính thức được bắt đầu. Trong phần này, người dân tham gia trẩy hội sẽ cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian được tổ chức bên bờ sông Tô Lịch như đi cầu treo, bắt vịt dưới ao, đập niêu...
Có thể nói Lễ hội 5 làng Mọc là bức tranh tổng hợp của các giá trị văn hóa phi vật thể được lưu giữ với đầy đủ các loại hình: Từ ngữ văn truyền khẩu (truyền thuyết về các vị thành hoàng làng), nghệ thuật trình diễn (múa rồng, sư tử) cho đến tập quán xã hội, tín ngưỡng (thờ cúng, tục kết chạ...) và các tri thức dân gian về ẩm thực (lễ vật dâng thánh)...
Ngày nay, lễ hội còn gìn giữ được nhiều phong tục, lễ nghi của cư dân vùng ven đô, là bằng chứng cho một thời lịch sử oai hùng của dân tộc trong suốt quá trình chống giặc ngoại xâm và nỗ lực giữ nước của cha ông. Lễ hội Năm làng Mọc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 27/5/2021.
Lê Hải – Hải Phong – Quốc Việt