Tham dự buổi lễ có bà Đặng Thanh Mai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn; ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng Biên tập Báo TN&MT; bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; ông Lê Xuân Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; bà Trịnh Thị Hương Thảo, Phó Chánh Văn phòng Bộ TN&MT; ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT; GS.TSKH Trương Quang Học.
Về phía Ban tổ chức, có ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng Ban tổ chức; bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó Trưởng Ban tổ chức.
Phát biểu tại biểu lễ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường nhận định: Biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn nhất và là một vấn đề khẩn cấp của nhân loại trên toàn cầu. Nó đòi hỏi sự chung tay hành động của thế giới trước khi quá muộn. Trên thực tế, biến đổi khí hậu rất gần gũi cũng rất gắn bó với cuộc sống đời thường, nó cũng tác động trực tiếp đến mỗi cá thể tồn tại trên toàn hành tinh. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực về mọi mặt: đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị,văn hóa, môi trường… Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trên mọi lĩnh vực, hệ sinh thái, tự nhiên gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội. Biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa nguy hiểm.
Để thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, trên thế giới và Việt Nam, có rất nhiều sáng kiến, giải pháp về mô hình kinh tế, mô hình sinh kế nhằm ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các mô hình kinh tế thích ứng với BĐKH là những mô hình can thiệp, đã được điều chỉnh để né tránh, giảm thiểu tác động hoặc thích ứng với quy luật diễn biến của một trong những yếu tố của BĐKH tác động mạnh mẽ lên nó, trong thực tại hay tương lai và kết quả là mô hình đó có thể giảm nhẹ và phục hồi với các tác động của BĐKH.
Trước đây, một số cơ quan, tổ chức đã từng lấy chủ đề biến đổi khí hậu để tổ chức các cuộc thi và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, để tổ chức một Cuộc thi về biến đổi khí hậu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn xã hội là một chủ đề mới, thời sự, ý nghĩa to lớn, có tính tuyên truyền cổ động cao và gần gũi với chính mỗi chúng ta để thu hút nhiều đối tượng tham gia.
Bởi vậy, Cục Biến đổi khí hậu phát động Cuộc thi với chủ đề “Đề xuất mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai” với mục đích tìm kiếm các ý tưởng, sáng kiến, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn đời sống xã hội. Cuộc thi cũng nhằm lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc phục vụ tuyên truyền, nhân rộng, nâng cao hiệu quả về ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn công tác quản lý Nhà nước với các hoạt động xã hội, cộng đồng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai vì sự phát triển kinh tế bền vững.
Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó Trưởng Ban tổ chức cho biết, đối tượng cuộc thi gồm: Các tập thể, cá nhân đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài hoặc cá nhân là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam có thể gửi tác phẩm tham gia cuộc thi .
Nội dung Cuộc thi hướng đến việc tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến, mô hình có hiệu quả triển khai trong thực tiễn hoặc triển vọng về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai như các ý tưởng, sáng kiến, mô hình trong: xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, phát triển sinh kế, phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông.
Các bài viết có ý tưởng, sáng kiến; các bản vẽ tay, vẽ trên nền tảng công nghệ; các mô hình được thiết kế, lắp ráp... phản ánh được về thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ rủi ro và những tác động của thiên tai.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi theo 3 hình thức: Thứ nhất là tác phẩm viết. Các hồ sơ, tài liệu viết được thể hiện trên chất liệu giấy in. Thứ hai là tác phẩm vẽ, gồm vẽ tay trên nền giấy và vẽ trên nền tảng công nghệ. Vẽ trên giấy sử dụng màu bột gouach, màu poster, màu acrylic, khổ giấy vẽ (kích thước các cạnh nhỏ nhất là 210 x 297mm, lớn nhất là 420 x 594mm). Vẽ nền tảng công nghệ được tạo dựng từ chương trình/ứng dụng đồ họa trên máy tính hoặc điện thoại di động và các nền tảng công nghệ phù hợp. Thứ ba là mô hình mô phỏng được thể hiện thông qua dàn dựng, thiết kế, lắp ráp, trình diễn, diễn giải, mô phỏng.
Ban Tổ chức tiếp nhận tác phẩm tham gia Cuộc thi kể từ ngày phát động cuộc thi đến hết ngày 30/6/2022 (theo dấu bưu điện hoặc xác nhận thông tin trên hồ sơ điện tử).
Hoài An