Theo đó, IFRS gồm các chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board - IASB) với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới.
Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam nhằm hướng tới áp dụng IFRS và chuẩn mực Báo cáo tài chính Việt Nam mới từ sau năm 2025.
Việc áp dụng chuẩn mực IFRS sẽ giúp Lọc hoá dầu Bình Sơn đủ điều kiện để niêm yết trên thị trường quốc tế, cũng như thuận lợi trong việc thu xếp vốn, kêu gọi đầu tư trong quá trình nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Lọc hoá dầu Bình Sơn trên thị trường.
Đại diện Deloitte Việt Nam cho biết, việc áp dụng IFRS sẽ giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn nâng cao năng lực quản trị tài chính, bao gồm phân tích và ra quyết định, đảm bảo cập nhật các xu hướng mới như báo cáo phát triển bền vững, cam kết khí thải, các giao dịch phái sinh và đảm bảo rủi ro… Deloitte Việt Nam sẽ xây dựng chương trình và đào tạo các chuẩn mực IFRS áp dụng cho Lọc hóa dầu Bình Sơn và kiểm toán báo cáo tài chính theo IFRS của các năm 2020, 2021, 2022, 2023.
BCTC được lập theo IFRS sẽ là công cụ quản lý hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại BSR, góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các thông tin tài chính, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và tăng tính cạnh tranh của BSR.
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tiền thân là Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, được thành lập vào ngày 09/5/2008 theo Quyết định số 1018/QĐ-DKVN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của Lọc hoá dầu Bình Sơn ước đạt 91.600 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, và lãi ròng ước đạt 4.400 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã thực hiện được 96% mục tiêu doanh thu và 270% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay. Tính riêng trong 2 tháng đầu quý 3 này (tháng 7 và tháng 8), Lọc hoá dầu Bình Sơn có thể đã ghi nhận khoảng 23.866 tỷ đồng doanh thu và 1.454 tỷ đồng lãi ròng.
Theo nhận định của một số tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức tích cực khi crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) tăng lên, đặc biệt là nhóm dầu Diesel và Jet A1, trong bối cảnh giá dầu thô đang tăng mạnh.
Hiện Lọc hoá dầu Bình Sơn đang tích cực xúc tiến kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu BSR từ sàn UPCoM sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE). Doanh nghiệp này đã đáp ứng được 8/9 điều kiện, ngoại trừ tiêu chí "không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm”. Liên quan đến tiêu chí này, Lọc hoá dầu Bình Sơn vừa có kiến nghị gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 27/9, cổ phiếu BSR đạt 21.600 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu BSR đã tăng gần 57%.
Tiến Hoàng