Tìm hiểu về trà hoa mộc
Trà hoa mộc còn được gọi là quế hoa, mộc tê, có tên khoa học là Osmanthus fragrans. Đây là loài thực vật bản địa của châu Á, từ đông Himalaya đến Hoa Nam (Quý Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam), Đài Loan, nam Nhật Bản.
Cây hoa mộc xuất hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới, trải dài khắp các nước châu Á, ở mỗi nơi giống cây này có hình thái bên ngoài khác nhau, một số nơi thì có hoa mộc trắng, ở Việt Nam cây hoa mộc thường có hoa 4 cánh màu vàng nhạt, hoa mọc từ các đốt nhanh cây thành các chùm nhỏ, hương hoa ngọt ngào như mùi đào chín.
Cây hoa mộc là cây gỗ nhỏ, thường xanh, cao từ 3-12m, lá dài 7-15cm và rộng 2,6-5cm. Hoa của cây hoa mộc nở rải rác quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa thu. Hoa mọc thành chùm trong kẽ lá gần ngọn, có màu vàng tươi tắn, thơm nồng. Ngoài ra còn có màu trắng, vàng nhạt và vàng cam.
Trà hoa mộc là những nụ hoa khô màu vàng đẹp mắt. Nước trà mang màu vàng nhạt, trong trẻo. Hương trà đậm đà, vị trà nồng nàn. Các giác quan của bạn sẽ ngập tràn hương hoa mộc tê, thơm ngọt và thanh mát khi uống.
Có hai phương pháp làm trà hoa mộc khô phổ biến hiện nay đó là làm khô tự nhiên bằng nắng và làm khô bằng cách dùng máy sấy chuyên dụng. Hoa sau khi thu hái về vào sáng sớm sẽ được rữa sạch hết bụi bẩn và để ráo nước.
Nếu làm khô bằng cách thủ công bằng nắng thì hoa sẽ được trãi đều lên nong, bạt hoặc mẹt rồi đem ra nơi thoáng mát và có nắng đẹp, cứ mỗi cuối ngày thì lại lấy tay đảo hoa lên để hoa khô tự nhiên, cứ làm vậy trong khoảng một tuần khi hoa khô đều là có thể cất đi sử dụng được
Công dụng tuyệt vời của trà hoa mộc
Chống oxy hóa: Trà hoa mộc chứa rất nhiều đặc tính chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe . Chất chống oxy hóa có tác dụng loại bỏ các độc tố có hại ra khỏi cơ thể. Trà hoa mộc không những vừa có màu sắc lẫn hương vị thơm ngon mà còn chứa một số hợp chất chống oxy hóa hiếm chỉ được tìm thấy trong hoa, bao gồm catechin và flavonoid, từ đó cung cấp cho cơ thể những hợp chất có lợi nhằm tăng cường sức đề kháng, hạn chế mắc phải bệnh vặt.
Thúc đẩu tiêu hóa: Y học cổ truyền Trung Quốc từ hàng ngàn năm trước đã sử dụng trà hoa mộc để điều trị các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy và đau bụng. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy khó chịu ở dạ dày, hãy thử uống một chút trà hoa mộc cùng với một thành phần khác có lợi cho tiêu hóa, chẳng hạn như bạc hà, oải hương, cam thảo,... .
Hỗ trợ giảm cân: Uống trà hoa mộc tuy không trực tiếp kích thích cơ thể đốt cháy calo hoặc chất béo, nhưng có thể ngăn chặn sự thèm ăn của bạn thông qua hương thơm dịu nhẹ, điều này sẽ giúp hạn chế thói quen ăn uống thiếu khoa học, từ đó hỗ trợ giảm cân hiệu quả hơn.
Tăng cường sức khỏe tim mạch: Uống trà hoa mộc này thường xuyên có thể giúp kiểm soát huyết áp và mức cholesterol của bạn, từ đó ngăn ngừa sự phát triển của các loại bệnh tim. Các chất chống oxy hóa có trong hoa mộc sẽ ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol xấu - nguyên nhân gây ra sự hình thành mảng bám trong động mạch. Yếu tố này này sẽ bảo vệ cơ thể khỏi chứng xơ vữa động mạch và các cơn đau tim.
Bên cạnh đó, đông y cho rằng, hoa mộc có vị cay, tính ấm, có tác dụng tán hàn phá kết, hoá đàm, chữa đau răng, hôi miệng, ho nhiều đờm, kinh bế, đau bụng. Cách dùng chủ yếu là hãm uống, ngâm rượu uống hoặc chế nước cất từ hoa. Trà hoa mộc uống làm sáng da, đen râu tóc, sinh tinh dịch. Người ta cũng dùng hoa mộc nấu với dầu vừng, đun với lửa nhỏ sẽ tạo hoạt chất hòa tan dùng bôi tóc làm thơm tóc và giúp tóc mọc.
Trà hoa mộc giống như nhiều loại trà hoa khác có thể pha trực tiếp bằng cách hãm trong bình với nước nóng trong thời gian 5-10 phút là có thể sử dụng được. Với mùi thơm ngọt ngọt và bổ cho sức khỏe, hoa mộc còn được dùng để ngâm rượu, mật ong, chưng yến, nấu chè, làm thạch rau câu.
Hoài An