Lợi ích từ việc chuyển đổi mô hình sản xuất chè theo hướng an toàn sau đại dịch

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, do vậy,  việc chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm chè an toàn không chỉ cải thiện chất lượng cây chè mà còn góp phần giúp chuyển đổi hệ thống nông nghiệp để xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Trước nhu cầu khắt khe của thị trường và người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm an toàn như hiện nay, việc chuyển hướng sang nền nông nghiệp hữu cơ, trong đó có chè, là xu thế tất yếu. Đây được cho là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập và hướng tới nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Đề cập đến giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chè trên toàn quốc, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, các địa phương cần đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện và ban hành các chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, khuyến khích phát triển các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hình thành vùng sản xuất chè hàng hóa chất lượng cao, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, xác định cây chè là tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của tỉnh, trong nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và thế giới.

Vùng sản xuất chè tập trung tại xã Văn Hán
Vùng sản xuất chè tập trung tại xã Văn Hán

Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đổi mới và phát triển hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ chè. Hiện nay, toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Ngoài vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp chè, các HTX sản xuất, kinh doanh chè đóng vai trò quan trọng, hiệu quả trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ chè của tỉnh, phù hợp với đặc thù sản xuất chè của tỉnh Thái Nguyên.

Tại Phiên họp thứ 24 của Nhóm liên chính phủ về chè của FAO, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc cho biết: Ngành công nghiệp chè có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống nông nghiệp toàn cầu, giúp chúng ta gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên muốn làm được điều đó, trước hết phải vượt qua được những thách thức lớn.

Ngành sản xuất chè là một lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, cung cấp việc làm và thu nhập cho nhiều cộng đồng nông thôn nghèo nhất trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy, khu vực nông hộ nhỏ nghèo ở các vùng nông thôn đang sản xuất khoảng 60% sản lượng chè toàn cầu. Điều này làm cho chè trở thành loại cây có sự đóng góp quan trọng trong việc đạt được Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Theo Trung tâm Khuyến nông Yên Bái, trong những năm qua, cây chè đã được tỉnh Yên Bái xác định là cây trồng có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế nhằm phát huy những ưu thế sẵn có về đất đai, lao động, việc tập trung đầu tư thâm canh, cải tạo và phát triển diện tích, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo.

Định hướng phát triển sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung vào các huyện có vùng chè lớn, có điều kiện thâm canh và mở rộng diện tích chè như Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình...; xây dựng và hình thành được những vùng sản xuất chè an toàn nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, có chất lượng cao tại các xã như Bình Thuận, Thượng Bằng La, Suối Giàng. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè trên địa bàn đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng chuyên sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực trong việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu vùng và đăng ký sở hữu trí tuệ; phấn đấu 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; gia tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ đạt trên 30%; Tiếp tục thực hiện đề án phát triển giống chè Shan - sản phẩm đặc sản tại các huyện vùng cao trong tỉnh...

Vũ Nghi