Theo đó, BIDV đã công bố lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 đạt 26.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế hối Công ty con đạt 1.290 tỷ đồng, Khối Liên doanh ở mức 945 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận hợp nhất tăng 18,8%. Với kết quả trên, BIDV là Big4 có lãi cao thứ 2, chỉ sau Vietcombank (hơn 40.000 tỷ đồng) và nhỉnh hơn Agribank (25.300 đến 25.400 tỷ đồng) và VietinBank (hoàn thành kế hoạch đề ra).
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản ngân hàng đạt 2,26 triệu tỷ đồng; tiếp tục giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 1,1%.
BIDV cho biết ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 192%. Trong năm 2023, BIDV cũng đã nộp Ngân sách Nhà nước hơn 6.200 tỷ đồng, thuộc nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 26.750 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại BIDV; nộp Ngân sách Nhà nước trên 6.200 tỷ đồng, thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi cổ đông và thu nhập cho người lao động.
Giá trị cổ phiếu tăng trưởng 26,4%; vốn hóa đạt 10,5 tỷ USD, đứng thứ 2 thị trường. Hoạt động các công ty con, công ty liên doanh đạt kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế Khối Công ty con đạt 1.290 tỷ đồng, Khối Liên doanh đạt 945 tỷ đồng.
Năm 2024, quán triệt chủ trương của Chính phủ, định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, BIDV quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm với các chỉ tiêu chính: Dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức khoảng 1,4%...
Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, BIDV quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 như: Điều hành tăng trưởng tín dụng bám sát giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao gắn với nâng cao chất lượng và gia tăng hiệu quả từ hoạt động tín dụng; Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, gia tăng huy động vốn không kỳ hạn và các nguồn tiền gửi có chi phí hợp lý nhằm gia tăng hiệu quả cân đối vốn, đảm bảo các quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hoạt động; Tập trung triển khai các phương án tăng vốn điều lệ, vốn tự có nhằm nâng cao năng lực tài chính, cải thiện hệ số CAR;
Nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực quản lý rủi ro, chủ động ứng phó trước những biến động khó lường của thị trường tài chính, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong tất cả các mặt hoạt động; Quản trị vận hành ổn định, liên tục hệ thống Core Banking mới chuyển đổi và các hệ thống công nghệ thông tin; Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ gắn liền với nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của khách hàng; Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các Chiến lược cấu phần; Phương án cơ cấu lại BIDV giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch kinh doanh/Kế hoạch tái cơ cấu chi nhánh giai đoạn 2023-2025; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với bồi đắp văn hóa doanh nghiệp; Nâng cao chỉ số sức mạnh và giá trị thương hiệu...
Được biết, BIDV thành lập ngày 26/4/1957, tiền thân là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng có lịch sử hoạt động lâu đời nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Qua nhiều lần chuyển đổi, từ ngày 01/5/2012, BIDV cổ phần hóa thành công, chính thức chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tháng 1/2014, cổ phiếu BIDV (mã BID) niêm yết thành công trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu mốc chính thức thành ngân hàng đại chúng.
BIDV được cộng đồng trong nước và quốc tế biết đến và ghi nhận như là một trong những thương hiệu ngân hàng lớn nhất Việt Nam, là sự lựa chọn, tín nhiệm của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp hàng đầu của cả nước, cá nhân trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng. Hiện nay, BIDV sở hữu mạng lưới hoạt động với 190 chi nhánh trong nước, 871 phòng giao dịch, 57.825 máy ATM và POS tại 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc; 1 chi nhánh nước ngoài tại Myanma, 5 văn phòng đại diện tại các nước: Lào, Campuchia, Séc, Đài Loan, Nga. Bên cạnh đó, BIDV cũng thiết lập quan hệ đại lý với trên 1.700 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng tại 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khối hiện diện thương mại nước ngoài tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu BIDV, đồng thời mở rộng hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư thương mại tại các thị trường tiềm năng như Liên bang Nga, châu Âu, Đông Bắc Á.
Tiến Hoàng