Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Tiến hành rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn heo như: Lở mồm long móng, Tai xanh, đặc biệt là vắc xin DTHCP cho đàn heo thịt tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao bao gồm cả đàn heo đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.
Tích cực hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tăng cường hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các điều kiện để thực hiện vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn, nhất là công tác quản lý vận chuyển heo; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm từ heo không đúng quy định...
Cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh, kết quả công tác phòng, chống dịch định kỳ hoặc đột xuất về Sở Nông nghiệp và PTNT (thông qua Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) để kịp thời cập nhập lên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Chủ động ngân sách dự phòng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt bố trí kinh phí chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, dụng cụ, hoá chất sát trùng, vôi bột, vắc xin… để ứng phó kịp thời, dập tắt các ổ dịch ngay khi mới xảy ra trong diện hẹp.
Các cơ quan thông tấn báo chí tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 27 hộ thuộc 21 xã, 08 huyện, thành phố: Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Châu Thành, Bến Lức, Tân Thạnh, thành phố Tân An, tiêu hủy 716 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 37.297 kg, dịch bệnh tập trung và gia tăng nhiều vào các tháng cuối năm 2023.
Còn trên cả nước, theo báo cáo cập nhật trên hệ thống Quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS), từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 750 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, buộc tiêu hủy gần 36.000 con heo tại 46 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Lắk, Tiền Giang...; dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 năm 2023 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi heo và bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
Vũ Cừ - Lê Hải/ VP ĐBSCL