Một trong những mục tiêu trong Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành giáo dục giai đoạn 2016 – 2020 đề ra là thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong tiếp cận giáo dục, tăng tỷ lệ biết chữ của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn.
Theo Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, trong những năm qua, Bộ GD-ĐT cũng luôn quan tâm và coi trọng công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Các vấn đề về giới, bình đẳng giới hiện đã được chú trọng lồng ghép trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Thứ trưởng cho biết: “Sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới đã lồng ghép tối đa vấn đề bình đẳng giới. Điều này thể hiện rõ qua các tranh, ảnh trong sách luôn có tỷ lệ hình ảnh nam giới và nữ giới tương đồng, mọi hoạt động, lĩnh vực nghề nghiệp đều có sự xuất hiện của cả hai giới này”.
Ngoài ra, Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020 cũng đặt các mục tiêu để đảm bảo mục tiêu chính được thực hiện như: Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, cha mẹ học sinh và cộng đồng. Phòng chống bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới, thúc đẩy môi trường học tập an toàn và thân thiện. Tăng cường công tác thống kê có trách nhiệm giới, lồng ghép giới vào hoạch định chính sách, lập kế hoạch và quản lý ngành giáo dục…
Thanh Xuân
Theo Nhân dân