Lừa đảo qua ứng dụng Zalo: Người dùng cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, Zalo đã trở thành một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam với hàng chục triệu người dùng. Sự tiện lợi của Zalo giúp kết nối người dùng một cách nhanh chóng, thuận tiện trong giao tiếp hàng ngày và công việc. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những nguy cơ tiềm ẩn mà người dùng cần đặc biệt cảnh giác, nhất là trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và khó lường.

Lừa đảo qua ứng dụng Zalo: Người dùng cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi/  
Lừa đảo qua ứng dụng Zalo: Người dùng cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi/  

Theo đó, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online thông qua eKYC (định danh cá nhân) bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống…

Nhiều tổ chức tài chính cảnh báo, kẻ lừa đảo sẽ dùng thêm phần mềm hỗ trợ để có thể chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh – KYC. Bằng thủ đoạn này, kẻ xấu có thể tạo ra những tài khoản ngân hàng “ma”, được đăng ký bằng thông tin thật nhưng chủ nhân của tài khoản lại chẳng hề hay biết. Các tài khoản ma này sau đó sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, bao gồm trốn thuế, rửa tiền, nhận tiền lừa đảo từ các người dùng khác…

Chúng cũng có thể sử dụng thông tin khuôn mặt, số điện thoại của nạn nhân để đăng ký vay nóng trên các app tín dụng đen, sau đó bùng tiền.

Bởi bọn tội phạm còn có thể sử dụng hình ảnh của người dùng để tiếp tục gọi điện thoại đến danh sách bạn bè của người đó, lừa đảo mượn tiền với hình ảnh của người dùng vừa mới thu được hết sức sống động, khiến người quen tin tưởng mà chuyển tiền cho mượn. Hoặc dùng hình ảnh đó để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng (có yêu cầu sinh trắc học) để rút tiền.

Cẩn trọng với thông tin cá nhân trên mạng xã hội

Chỉ qua vài thao tác, thủ thuật đơn giản các đối tượng đã có thể tạo ra những hình ảnh cử động rất biểu cảm, sống động… để thực hiện hành vi lừa đảo. Nếu chỉ thoáng qua, rất nhiều người không thể nhận biết được đó là những hình ảnh do phần mềm máy tính hoặc qua kĩ thuật chỉnh sửa tạo ra...

Giả video call lừa tiền là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ và tính chất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các đối tượng có thể bị xử phạt về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hoặc bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù, đây không phải là thủ đoạn mới, nhưng có thể thấy các chiêu thức của các đối tượng ngày một tinh vi. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi hỏi vay mượn tiền, tránh việc xác nhận qua video call. Thay vào đó, nên xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hoặc có thể gặp trực tiếp để trao đổi thông tin chính xác trước khi chuyển tiền.

Bên cạnh đó, nên cẩn trọng với các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không nên để lộ quá nhiều thông tin riêng tư như số nhà, số căn cước công dân... Đây cũng là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi.

Người dân cần lưu ý, tuyệt đối không nên thực hiện theo các hướng dẫn của người lạ, bao gồm việc gọi video call, chụp hình, chia sẻ thông tin cá nhân hay đăng nhập tài khoản ngân hàng vào trong một đường link, trang web nào đó. Cách xử lý tốt nhất là tắt máy và lờ đi khi gặp phải các đối tượng này.

Lực lượng công an đã có cảnh báo rằng cơ quan công an không làm việc online, không làm việc qua điện thoại và tất cả được giải quyết tại trụ sở. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, khách hàng cần báo ngay cho cơ quan chức năng để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tiến Hoàng