Dọc theo những triền gò thấp thoáng nắng vàng ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cây trà vẫn hiên ngang bén rễ như từ thuở khai thiên lập địa. Trà Phú Hội một dòng trà mang vị đất phương Nam, được nuôi dưỡng bởi mạch nước ngầm Mạch Bà trứ danh không chỉ là sản vật địa phương, mà còn là kết tinh của nghệ thuật, ký ức và tình đất tình người kéo dài suốt hàng trăm năm. Ở nơi đây, mỗi lá trà từ khi còn xanh mướt đến lúc hoá thành chén nước đỏ bầm ngọt hậu, đều trải qua một hành trình công phu, tỉ mỉ và thấm đẫm chất sống của những người làm trà thuần thủ công.
Trà Phú Hội mang vị đất phương Nam, là kết tinh của nghệ thuật, ký ức và tình người suốt trăm năm.
Một dòng trà mang cốt cách riêng
Không như trà Thái Nguyên chát đầu ngọt hậu, hay trà Tà Xùa lặng lẽ thơm cao nguyên, trà Phú Hội có cách chào mời riêng biệt nhẹ nhàng, êm dịu mà sâu thẳm. Vị ngọt của trà không gắt, không gượng ép mà lan tỏa dần như cách mạch nước Mạch Bà len lỏi nuôi đồng bằng. Màu nước khi pha lên có thể khiến nhiều người bất ngờ: một màu đỏ bầm đặc trưng, sóng sánh và dày hương. Chính màu nước ấy chứ không phải màu xanh hay vàng quen thuộc là lời xác tín thầm lặng cho những ai từng uống một lần rồi nhớ mãi.
Trà Phú Hội thường được làm từ đọt tươi, để héo, vò cho trà săn lại rồi tiếp tục phơi khô. Xưa nay, những nhà vườn ở đây đều làm trà theo cách thủ công bởi họ cho rằng như vậy trà mới ngon vì giữ được vị thơm từ nắng, vị ngọt từ đất quê.
Câu chuyện bắt đầu từ những gò đồi nắng gió nơi cây trà bén rễ từ hàng trăm năm trước, nhờ thổ nhưỡng bán sơn địa kết hợp cùng nguồn nước ngầm dồi dào. Các bô lão ở Phú Hội kể lại, từ thế kỷ XIX, cây trà đã hiện diện như một phần tất yếu của đời sống: nhà nào cũng có vài luống trà, từ vườn trước ra vườn sau. Thời cực thịnh, diện tích trồng trà lên đến hàng trăm ha, phủ xanh các rẻo đất cao, tạo nên một vùng sinh thái độc đáo cho giống trà địa phương phát triển.
Không giống như các giống trà được du nhập hay lai tạo, trà Phú Hội mang bản sắc riêng từ trong giống lá. Lá trà dày, hơi ráp, khi non thì xanh mướt, khi già thì ngả sang màu vàng lục. Điều làm nên chất trà Phú Hội không chỉ là giống cây, mà còn là quy trình thủ công truyền thống một nghệ thuật được truyền miệng và bảo tồn suốt nhiều thế hệ.
Hành trình từ lá tươi đến trà khô
Để có được mẻ trà ngon, người dân phải hái đúng độ thường 10 ngày một lần chủ yếu là đọt và lá non. Kỹ thuật hái cũng rất quan trọng: không quá non để tránh vị xanh gắt, không quá già để giữ được độ ngọt hậu. Lá hái về không vội sao liền, mà phải được phơi nắng nhẹ cho héo, rồi đem vò bằng tay để các tế bào trà vỡ ra, giúp giải phóng hương và chất.
Một trong những điều làm nên sự khác biệt trong hương vị của trà Phú Hội là cách chế biến dân dã của người dân nơi đây.
Tiếp đến, lá trà được phơi khô thêm một lần nữa, dưới ánh nắng tự nhiên. Trong mùa mưa, nếu không thể phơi được, người dân sẽ sấy bằng than củi, nhưng đa phần họ đều tránh điều này vì sấy thường làm trà giảm độ "ngọt nắng". Sau khi lá khô, trà sẽ được phân loại: lá để riêng, đọt để riêng. Cả hai sẽ được xào nhẹ trong chảo gang một công đoạn quan trọng giúp tăng hương, làm săn lá và ổn định màu sắc.
Ướp hương – Bí quyết làm nên bản sắc
Một điểm đặc sắc trong nghệ thuật làm trà Phú Hội là kỹ thuật ướp hương bằng các loại lá bản địa: lá dứa, ba ren, hoa phật lài những loại thảo mộc mọc ngay quanh vườn rào. Chúng được thái nhỏ, để hơi héo rồi trộn cùng trà khô trong lúc xào, giúp hương thơm thấm sâu và bền lâu. Không sử dụng hương liệu nhân tạo, nghệ nhân làm trà nơi đây tin rằng mùi thơm thực sự phải đến từ thổ nhưỡng và thảo mộc tự nhiên như chính hơi thở của vùng đất họ sinh ra. Chính quy trình ướp hương này khiến chén trà khi pha không chỉ có vị dịu, hậu ngọt mà còn lan tỏa hương đồng gió nội thứ hương rất thật, rất "quê", rất khó lẫn vào đâu được.
Khi chắt một nhúm trà Phú Hội đã thành phẩm cho vào ấm, rót nước nóng, bỏ nước đầu rồi ủ lần hai khoảng đôi ba phút, người uống sẽ ngạc nhiên: một dòng trà màu đỏ bầm, nghi ngút khói, toả mùi thơm nhẹ nhàng như hoa cỏ sau cơn mưa. Vị trà không mạnh, không sắc mà dịu dàng, âm ấm, thấm dần vào cổ họng. Có người ví trà Phú Hội như một thiếu nữ thôn quê mộc mạc, thô ráp, nhưng có nét duyên kín đáo khiến lòng người vương vấn mãi.
Trà Phú Hội chính gốc khi pha ra có nước màu đỏ bầm rất đẹp và có hương vị thơm ngon riêng không lẫn với các trà khác được.
Khôi phục và phát triển: Hành trình đi tìm lại danh trà
Trà Phú Hội từng có thời điểm mai một, khi các vườn trà bị chặt bỏ để nhường chỗ cho cây trồng khác. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cùng với xu hướng phục hồi nông sản bản địa, dòng trà quý này đã bắt đầu hồi sinh. Một số hộ gia đình quyết tâm gìn giữ nghề cũ, cải tạo đất đồi, nhân giống trà cổ và đưa sản phẩm trở lại thị trường với diện mạo mới nhưng giữ nguyên hương vị cũ.
Sự trở lại của trà Phú Hội không chỉ là sự hồi sinh của một thức uống, mà còn là lời nhắc nhớ về những giá trị gắn liền với đất, với người, với di sản văn hoá thầm lặng. Từ lá trà xanh trên gò đồi Phú Hội đến chén trà đỏ bầm sóng sánh trên bàn trà, là cả một chặng đường gói ghém tình yêu, kỹ nghệ và sự kiên định của những con người gắn bó với đất. Trong dòng chảy hối hả của thời hiện đại, Phú Hội vẫn giữ lấy nghệ thuật làm trà như một cách sống mộc mạc, bền bỉ và đậm đà bản sắc. Và mỗi khi nâng chén trà ấy, người ta lại thấy mình lặng lại, để lắng nghe một miền đất thì thầm qua hương và vị.