Nhất thủy
Trong Trà Kinh của Lục Vũ ghi chép lại cách chọn nước là: “Sơn thủy thượng, giang thủy trung, tỉnh thủy hạ”. Nghĩa là loại nước suối từ núi cao là loại nước tốt nhất để pha trà, sau đó là nước sông và cuối cùng là nước giếng.
Nước pha trà là yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định đến hương vị của chén trà. Người Việt xưa thường dùng nước giếng hoặc nước mưa để pha. Trong tác phẩm “Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân đã viết: “Thầy cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi, phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm trà.” Nói chung, pha trà nên sử dụng nước suối, hoặc nước tinh khiết, có vậy trà mới dậy hương và vị mới chuẩn.
Đun nước pha cũng là yếu tố quan trọng, ấm đun nước đặt trên lò than đượm, đun vừa đủ sôi. Trước khi pha phải dùng nước sôi để tráng nóng ấm chén rồi mới cho trà vào ấm và nên hạ nhiệt nước sôi xuống 75-80 độ rồi mới pha trà.
Nhì trà
Trà ngon là trà có cánh đều, ít vụn nát. Hương trà thơm trà tự nhiên, vị trà chát đậm nhưng vị ngọt hậu bền lâu. Người Việt xưa thường sử dụng chè tươi, tức là hái lá chè xanh và đem hãm uống ngay. Nhưng hiện nay, người ta lại ưa chuộng trà khô vì tính thuận tiện của nó. Còn với những người sành trà, uống trà là để trải nghiệm những hương vị khác nhau của các dòng trà được lựa chọn từ những giống chè, được chăm sóc hữu cơ, thu hoạch thủ công, chế biến theo các phương pháp riêng biệt.
Mỗi cách chăm sóc, thu hoạch, chế biến lại mang đến dòng trà khác nhau với những đặc trưng về cánh trà, hương và vị. Bên cạnh đó, nương trồng chè (trà) ngon cũng phụ thuộc vào vị trí địa lý, hướng, độ dốc địa hình, vi khí hậu và thổ nhưỡng. Càng ở những vùng trung du hoặc núi cao, tiết trời mát và được phủ sương vào đêm và sáng, hương vị trà càng tuyệt vời hơn.
Tam pha
Có thể nói quy trình pha trà kỳ công góp phần làm nên giá trị của nghệ thuật thưởng trà. Đã có trà ngon thượng hạng, bộ trà cụ đầy đủ mà không biết cách pha thì cũng uổng phí. Mỗi loại trà có một cách pha riêng để giữ trọn hương vị đặc trưng vốn có, nhưng nhìn chung, pha trà bao gồm các bước:
Tráng ấm, chén: Tráng sạch ấm và chén bằng nước sôi trước khi pha. Đặc biệt, đối với ấm trà nên tráng toàn bộ cả nắp và thân ấm.
Đong trà: Cho một lượng trà từ 3 - 5gr (tùy loại trà và số người dùng) vào ấm có thể tích 150ml.
Hãm trà: Nước hãm trà nên cho nhiệt độ giảm xuống 75-80 độ, rót Lượng nước chừng 150ml sao cho vừa đủ, xâm xấp mặt cánh trà rồi Lắc ấm vài vòng. Mục đích chính là để nước ngấm đều vào để cánh trà nở ra, như vậy trà ngon hơn.
Thời gian hãm trà từ 30-90 giây tuỳ theo sở thích uống trà vị đậm hay thanh nhẹ. Sau đó rót hết trà trong ấm ra tống qua bộ phận lọc nhằm giữ lại những vụn trà ra theo nước (nếu có), và rón trà ra chén để thưởng thức. Kết thúc tuần trà đầu thì mở nghiêng nắp ấm trà và để trà nghỉ vài phút sau đó tiếp tục thêm nước cho tuần trà tiếp theo.
Tứ ấm
Trong nghệ thuật thưởng trà Việt, bên cạnh trà ngon, cách pha trà điệu nghệ, thì dụng cụ pha trà cũng là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của nghệ thuật tinh tế này.
Món trà cụ đầu tiên phải có chính là ấm pha trà, pha trà bằng ấm đất nung, có cấu trúc dạng dẹn là tốt nhất, hương trà sẽ thẩm thấu lưu lại trong ấm sau mỗi lần pha (không nên dùng 1 ấm để pha trà không ướp hoa với trà ướp các loại hoa). Để đánh giá ấm pha trà tốt có thể dựa trên hai yếu tố là vỏ ấm phải cứng, âm thanh khi gõ lên thành ấm càng trong càng quý và nắp ấm cần phải kín.
Chén thưởng trà gồm có hai loại là chén tống và chén quân. Chén Tống (hay tống chuyên trà) dùng cho trà được rót từ ấm ra để làm đều trà, sau đó mới rót ra các chén quân để thưởng thức. Việc lựa chọn chén thưởng trà nên dùng loại chén có men màu trắng bên trong và phải phù hợp với ấm pha để đảm bảo sự đồng bộ.
Ngũ quần anh
Thưởng thức chén trà ngon với những người bạn hữu tâm giao để trân trọng và thấu hiểu nhau hơn. Theo quan điểm của người Việt, bạn trà khó tìm hơn bạn rượu, có được bạn trà là có được người tri kỷ.
Rót trà ra mời cũng cần lưu ý, rót trà ra chén tống trước rồi mới rót ra các chén quân. Rót lần lượt từng ít một vào từng chén quân, rồi xoay vòng rót ngược lại. Như thế, các chén trà sẽ có độ đậm đà và màu sắc tương tự nhau chứ không phải chén quá đậm, chén quá nhạt.
Người Việt Nam, mời trà thì mời từ người lớn tuổi nhất rồi sau đó mời đến người nhỏ tuổi hơn. Trà rót ra phải uống ngay khi còn nóng và phải thưởng trà bằng tất cả giác quan và sự tĩnh tâm để cảm nhận trọn vẹn hương vị tự nhiên vốn quý của trà. Tuy không quá cầu kỳ nhưng văn hóa thưởng trà của người Việt Nam cũng là một nét đẹp truyền thống còn mãi với thời gian.
Hoàng Tuấn