Chương trình Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang năm 2023 do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Hà Đông tổ chức Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang năm 2023.
Thông qua Mạng lưới, Chương trình kêu gọi sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phát triển bền vững; Thực hành lối sống "không rác thải" trong đời sống, sinh hoạt. Xây dựng mẫu hình sản xuất bền vững qua thực hành sản xuất sạch, thiết kế sản phẩm bền vững, sản xuất các sản phẩm thông minh, không chất thải, sản phẩm xanh, sản phẩm tái sử dụng lại, đảm bảo tiêu chuẩn nhãn sinh thái. Đồng thời thể hiện cam kết của TP Hà Nội trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, như thông tin truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh; hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn có các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại và dịch vụ; Tổ chức các chuỗi kết nối sản xuất- kinh doanh các sản phẩm “xanh” thân thiện môi trường.
Chương trình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; Giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang năm 2023 gồm 6 khu trưng bày của các làng nghề TP Hà Nội. Cụ thể, khu trưng bày lụa Vạn Phúc – Hà Đông; Khu trưng bày làng nghề may Vân Từ - Phú Xuyên; Khu trưng bày sản phẩm thêu, may huyện Thường Tín gồm sản phẩm thêu và áo dài, thời trang; Khu trưng bày Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức; Khu trưng bày công nghiệp dệt may Hà Nội.
Ngoài các khu trưng bày thời trang của các làng nghề, chương trình còn thu hút 30 gian hàng đến từ các doanh nghiệp dệt may, thời trang của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn TP Hà Nội.
Theo nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, qua sự kiện cho thấy thành phố Hà Nội rất quan tâm đến phát triển sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, để sản phẩm đến được với người tiêu dùng trong nước cũng như khách quốc tế. Chính nhờ sự quảng bá đó mà đơn vị cũng học hỏi được rất nhiều từ những ý kiến góp ý của người tiêu dùng, qua đó biết được nhu cầu, thị hiếu và hướng để phát triển sản phẩm trong tương lai.
PV