Mặt hàng rượu, bia và thuốc lá được đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Mặt hàng rượu, bia và thuốc lá được đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 1

Hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm 40-85% giá bán lẻ.

Bộ Tài chính cho biết, dù mặt hàng rượu, bia đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2018. Tuy nhiên trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh.

Theo đó, trong văn bản lấy ý kiến góp ý về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như đồ uống có đường, thuốc lá, rượu, bia nhằm hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần năm 2015.

Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình... Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng định hướng áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử.

Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 75% từ năm 2019. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ thuốc lá vẫn ở mức cao.

Mặt khác, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,…

Theo Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người hút trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống.

Nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị các nước cấm thuốc lá điện tử hoặc áp dụng chính sách thuế để kiểm soát thuốc lá điện tử như đối với thuốc lá thông thường.

Giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỉ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,8%. Trong khi đó, tỉ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước là 50-80% như Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Pháp 80%...