Matcha "đắt xắt ra miếng": Khi giá cả trở thành yếu tố thu hút

Thời gian gần đây, Matcha đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, không chỉ vì hương vị độc đáo mà còn vì những giá trị sức khỏe mà nó mang lại. Tuy nhiên, điều khiến Matcha càng trở nên cuốn hút hơn chính là chiến lược "đắt xắt ra miếng" của các thương hiệu, khi giá cả và sự khan hiếm của sản phẩm này được khai thác tối đa để tạo ra sức hút mạnh mẽ với người tiêu dùng.

Sức hấp dẫn của Matcha

Matcha "đắt xắt ra miếng": Khi giá cả trở thành yếu tố thu hút - Ảnh 1

Thông tin về nguy cơ thiếu hụt Matcha đã vô tình tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ về mặt tâm lý người tiêu dùng. Khi một sản phẩm trở nên hiếm hoi, giá trị cảm nhận của nó cũng tăng lên đáng kể. Các thương hiệu hiểu rõ điều này và tận dụng cơ hội để định vị sản phẩm Matcha của mình như một mặt hàng cao cấp, khuyến khích khách hàng mua ngay trước khi nguồn cung trở nên khan hiếm hơn.

Một trong những thương hiệu tiêu biểu đã tận dụng chiến lược này là THE MATCHA TOKYO – thương hiệu đến từ Nhật Bản. Họ niêm yết giá bột Matcha lên tới 34.000 yên (khoảng 5,9 triệu đồng) cho 250g Matcha Japan Premium, khiến nó trở thành một sản phẩm xa xỉ. Đây không chỉ là một nguyên liệu thực phẩm, mà còn là biểu tượng của chất lượng, sự tinh tế và đẳng cấp. Điều đáng kinh ngạc là mức giá "trên trời" này không những không làm chùn bước người tiêu dùng, mà ngược lại càng khẳng định vị thế độc tôn của matcha như một biểu tượng xa xỉ. Đây chính là minh chứng sống động cho hiệu ứng Veblen - khi giá cả cao trở thành yếu tố kích thích nhu cầu sở hữu. Việc đẩy giá Matcha lên cao giúp thương hiệu này củng cố hình ảnh cao cấp và đồng thời kích thích nhu cầu tiêu dùng bằng chính yếu tố khan hiếm.

Một quán cà phê ở Tokyo cũng đang gây xôn xao khi bán bột Matcha với mức giá đắt đỏ, khiến không ít tín đồ ẩm thực bất ngờ. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc tăng giá trị cảm nhận của Matcha nhờ vào sự khan hiếm của nguyên liệu này.

Matcha "đắt xắt ra miếng": Khi giá cả trở thành yếu tố thu hút - Ảnh 2

Dù có mức giá không hề rẻ, nhiều thực khách vẫn săn đón các sản phẩm của thương hiệu này. Việc giá Matcha tăng cao không chỉ phản ánh sự khan hiếm của nguyên liệu này mà còn cho thấy sức hút ngày càng lớn của Matcha trên thị trường quốc tế. 

F&B Việt Nam tận dụng cơ hội

Matcha "đắt xắt ra miếng": Khi giá cả trở thành yếu tố thu hút - Ảnh 3

Không nằm ngoài cuộc chơi, các thương hiệu F&B Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp xu hướng này. Katinat là một trong những thương hiệu nhanh chóng bắt kịp xu hướng khi ra mắt Iki Matcha Latte, kết hợp giữa Matcha Nhật Bản và tàu hủ truyền thống, tạo nên một sản phẩm vừa mới lạ vừa gợi nhớ hương vị tuổi thơ. Thương hiệu cũng nhấn mạnh nguồn gốc Matcha của mình, khẳng định nguyên liệu được thu hoạch từ những búp trà non tại Nhật Bản, đảm bảo chất lượng và hương vị chuẩn mực.

Starbucks Việt Nam cũng không bỏ lỡ cơ hội với bộ sưu tập mùa xuân Strawberry Mochi Blossom Pure Matcha Latte, kết hợp giữa sữa dâu, mochi dẻo và matcha nguyên chất.

Trong khi đó, Cheese Coffee ra mắt BST “Gentle Matcha”, tập trung khai thác nguồn gốc Matcha từ nguồn trà Matcha Shizuoka, Nhật Bản và khai mở góc nhìn của người trẻ hiện đại về văn hoá Matcha nghi lễ (Ceremonial-grade) từ vùng Shizuoka và Uji, Kyoto.

Matcha "đắt xắt ra miếng": Khi giá cả trở thành yếu tố thu hút - Ảnh 4

Matcha trở thành cơn sốt toàn cầu

Không chỉ dừng lại ở Việt Nam hay Nhật Bản, Matcha đang là hiện tượng toàn cầu. Mới đây, vào ngày 26/3, No Brand, thương hiệu riêng của Emart Hàn Quốc, đã hợp tác với Super Matcha để ra mắt một loạt sản phẩm độc quyền kết hợp Matcha hữu cơ. Super Matcha không chỉ nổi bật vì vị trí thương hiệu tại các trung tâm thương mại lớn mà còn bởi cam kết thúc đẩy văn hóa ăn uống bền vững và lành mạnh.

Tại Mỹ, trong suốt 25 năm qua, doanh số bán Matcha đã vượt qua 10 tỷ USD, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng này trên mạng xã hội. TikTok, với hashtag #Matcha, đã góp phần tạo nên làn sóng mạnh mẽ khi hàng triệu lượt xem được thu hút bởi các video về Matcha Latte, bánh ngọt Matcha, và các món thức uống sáng tạo khác.

Tận dụng xu hướng này, Base Design, công ty thiết kế và truyền thông quốc tế, đã hợp tác với Matcha 12, một công ty tại New York, để xây dựng một thương hiệu cao cấp lấy cảm hứng từ thời trang và chăm sóc sức khỏe. Dự án này không chỉ dừng lại ở việc phát triển sản phẩm mà còn chú trọng vào thiết kế thương hiệu và không gian thưởng thức tại Manhattan. Thương hiệu này mang lại "khoảnh khắc bình tĩnh, tái thiết và nguồn năng lượng cho cuộc sống", với thiết kế tinh tế và gam màu xanh lá cây dịu nhẹ.

Sự thành công của matcha trong thời gian qua có thể được giải thích bằng ba yếu tố then chốt: hiệu ứng tâm lý khan hiếm, xu hướng sống lành mạnh và sức mạnh truyền thông xã hội. 

Câu chuyện về matcha đã vượt xa khỏi khuôn khổ của một nguyên liệu ẩm thực thông thường. Nó trở thành minh chứng sống động cho cách các thương hiệu có thể biến thách thức thành cơ hội, biến sản phẩm truyền thống thành biểu tượng văn hóa đương đại. Trong tương lai, có lẽ chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều bước tiến xa hơn nữa của "vàng xanh" này trong thế giới ẩm thực toàn cầu.

Hương Trà

Từ khóa: