Mở cửa thị trường cho nông sản Việt: Kỳ vọng tạo nhiều đột phá

Mở cửa thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi mỗi nông dân, doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.

Năm 2022 là một năm khó khăn đối với ngành Nông nghiệp khi việc xuất khẩu nông sản đi các nước luôn đối mặt với nhiều khó khăn. Giai đoạn này có thể là căng thẳng Nga - Ukraine, dịch Covid-19, giá đầu vào tăng cao, nhưng sang giai đoạn khác có thể sẽ là hàng rào thuế quan…

Đối diện nhiều khó khăn nên ngay từ đầu năm 2022, Bộ NN&PTNTđã xây dựng kế hoạch sản xuất bài bản, từ khâu phát triển thị trường, duy trì và mở rộng thị trường. Nhờ sự phối hợp hiệu quả của Bộ NNPTNT cùng các bộ, ban ngành, doanh nghiệp, đã có nhiều loại nông sản được các thị trường khó tính chấp nhận, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp tục lập những kỷ lục mới

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27,0%.

Mở cửa thị trường cho nông sản Việt: Kỳ vọng tạo nhiều đột phá - Ảnh 1

Đến tháng 12/2022, có 8 sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ). Rất nhiều mặt hàng mở cửa được thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ..., báo hiệu cho sự lạc quan trong thời gian tới.

Phân tích về những kết quả trong xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm nay, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho rằng, năm 2022 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức song ngành Nông nghiệp đạt nhiều thành tích ngoạn mục. Đó là kết quả của quá trình tích lũy nhiều năm từ sự bền vững của ngành Nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp luôn xác định luôn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Năm 2022, may mắn vì các loại dịch bệnh lớn không bùng phát, về mặt thời tiết cũng tương đối thuận lợi để phát triển nông, lâm, thủy sản.

“Trước đây, chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm 2022, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, chuyển hướng sang sản phẩm an toàn và kiểm soát chất lượng nông sản chặt chẽ hơn. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất. Đặc biệt, ngành rau quả đã mở cửa loạt mã xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây được xem là thành tích rất lớn và là kết quả bước đầu trong chặng đường 10 năm tới thực hiện chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, bền vững, minh bạch”, ông Đào Thế Anh nhấn mạnh.

 Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, trong kế hoạch sản xuất 2023, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xây dựng cụ thể nhưng sẽ xoay xung quanh tiêu chí luôn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Cụ thể là bảo đảm sản xuất 43 triệu tấn thóc, trên 1 triệu hec-ta rau, 1 triệu hec-ta quả cùng với phát triển cây công nghiệp.

Dựa trên phân tích những kết quả, hạn chế trong năm 2022, Cục Trồng trọt sẽ có những định hướng cụ thể đối với từng ngành hàng như gạo, rau củ quả… Từ những định hướng về sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, Cục sẽ phối hợp với các cục, vụ, viện của Bộ Bộ NN&PTNT xây dựng phương án xuất khẩu nông sản năm 2023.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu cho các sản phẩm của mình. Ngoài ra, sự vào cuộc kịp thời của công tác xúc tiến thương mại cũng là một yếu tố “bẻ khóa thị trường tốt hơn” để nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường lớn. 

Hiện Việt Nam tham gia 18 hiệp định tự do, trong đó nhiều hiệp định gắn với các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh Châu Âu…nên tầm xa cho thị trường nông sản sẽ đa dạng. Khi đa dạng hóa thị trường thì phải sản xuất theo thị trường, chúng ta buộc phải xây dựng các liên kết. Nếu sản xuất nhỏ lẻ sẽ khó đáp ứng, bắt buộc chúng ta phải liên kết.

Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các doanh nghiệp, địa phương xây dựng vùng sản xuất, chuỗi sản xuất quy mô lớn, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin về thị trường và việc liên kết các hiệp hội để giải quyết vấn đề chống bán phá giá, quyền lợi... cũng cần được đẩy mạnh.

Bảo Anh