Mở ra cơ hội mới cho sử dụng đất nông nghiệp: Trọng tâm của Luật Đất đai sửa đổi 2024

Luật Đất đai sửa đổi mang đến nhiều thay đổi trong quy định về sử dụng đất nông nghiệp bao gồm: Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, phát triển đa dạng các hình thức sử dụng đất nông nghiệp, quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất. Những quy định mới này hướng đến mục tiêu sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, đa dạng và minh bạch, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cho biết, luật Đất đai sửa đổi 2024 sẽ mang đến nhiều điểm mới đáng chú ý trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp.

Hạn mức giao đất nông nghiệp

Hạn mức giao đất cho cá nhân được nâng lên, tạo điều kiện tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất quy mô lớn. Cụ thể, đất trồng cây hằng năm tối đa 2 ha/hộ, đất trồng cây lâu năm tối đa 10 ha/hộ (đồng bằng) và 30 ha/hộ (trung du, miền núi). Để đảm bảo sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, luật quy định hạn mức nhận chuyển quyền không quá 15 lần so với hạn mức giao đất của địa phương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quy định mới về chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp

Luật có quy định mới hạn chế tình trạng chuyển đổi đất sang mục đích phi nông nghiệp tràn lan. Cá nhân chỉ được chuyển đổi trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh và phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi và lệ phí trước bạ.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai mới cũng quy định không chỉ cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà cả tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Điều này nhằm cho phép các tổ chức hay cá nhân có năng lực về khoa học kỹ thuật và vốn khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp và sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, mang đến cơ hội tiếp cận đất đai, hạn chế việc bỏ hoang đất.

Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất

Luật Đất đai mới bổ sung nhiều quy định nhằm trao quyền và tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp. Người sử dụng đất được chủ động lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, thị trường và khả năng sản xuất của bản thân. Ngoài ra, người sử dụng được phép xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất như nhà kho, chuồng trại, hệ thống tưới tiêu. Luật còn quy định cho người sử dụng đất kết hợp sản xuất nông nghiệp với các hoạt động khác như thương mại, dịch vụ, trồng cây dược liệu và chăn nuôi để đa dạng hóa hoạt động sản xuất và tăng thu nhập cho người nông dân.

Khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai

Hiện nay, tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp là một rào cản lớn cho sự phát triển của ngành. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, canh tác theo hộ nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật hạn chế dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập của người nông dân không cao.

Luật đất đai sửa đổi khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai thông qua hợp tác, liên kết sản xuất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thành lập tổ chức kinh tế để phần nào giải quyết hiện trạng này. Mục tiêu là tạo ra khu sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

Thu hồi đất nông nghiệp không hiệu quả

Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp không sử dụng đúng mục đích, không có khả năng đưa vào sản xuất hoặc sử dụng không hiệu quả, đất bị lấn chiếm trái phép, đang tranh chấp. Việc thu hồi thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Đất sẽ được cho thuê lại hoặc giao cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cá nhân tại địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, người có công với cách mạng.

Quản lý và kiểm soát đất nông nghiệp do doanh nghiệp nhà nước thoái vốn

Luật Đất đai sửa đổi thể hiện sự quyết liệt trong việc kiểm soát vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất. Ngay từ bước quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, luật đã yêu cầu xác định cụ thể diện tích đất được phép chuyển mục đích, bao gồm cả diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất. Việc kiểm soát chặt chẽ còn được thể hiện qua quy định, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào quyết định chủ trương đầu tư, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhờ đó, đảm bảo tính minh bạch, công khai và hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng chuyển mục đích sử dụng đất để trục lợi.

Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất và có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp, việc chuyển đổi sẽ căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thay vì kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện.