Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Sản phẩm chè của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Indonesia, Trung Quốc là 5 thị trường trọng điểm của chè Việt.
Đáng ghi nhận, những năm gần đây xuất khẩu chè Việt Nam đã có nhiều thay đổi khi chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu chè chế biến. Ấn Độ, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) được đánh giá là những thị trường xuất khẩu chè nhiều tiềm năng của Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai phá hết.
Ông Vũ Văn Cường, Trưởng đại diện Bộ phận Thương vụ, Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc), cho biết Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp chè chính cho Đài Loan.
Năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Đài Loan đạt 18.586 tấn, tương đương 28,72 triệu USD, chiếm 14,7% trong tổng lượng và chiếm 13,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng được đánh giá là thị trường khổng lồ cho mặt hàng chè Việt Nam. Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal, Bhutan), cho hay với dân số trên 1,4 tỷ người, Ấn Độ là một thị trường tiêu thụ rất lớn. Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng nông sản, trong đó có chè.
Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới nhưng cũng là thị trường nhập khẩu chè lớn trên thế giới. Nhập khẩu chè của Ấn Độ ngoài việc để tiêu dùng tại thị trường nội địa còn nhằm mục đích tái xuất khẩu. Hiện Ấn Độ nhập khẩu chè chủ yếu từ thị trường Nepal, Kenya, Việt Nam, Sri Lanka, Iran, Indonesia. Năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu chè khoảng 67 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,4%.
Mặc dù là những “miếng bánh” hấp dẫn, nhưng xuất khẩu chè của Việt Nam vào các thị trường này vẫn gặp nhiều thách thức.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè chính cho Đài Loan, với lượng xuất khẩu tương đối lớn nhưng giá trị lại khá thấp. Hiện nay, đối thủ cạnh tranh chính mặt hàng trà của Việt Nam tại Đài Loan là Sri Lanka (tỷ trọng chiếm 15,43% thị phần), Ấn Độ (10,28%), Indonesia (6,46%) và Trung Quốc (4,79%)... Ngoài ra thị trường Đài Loan còn có các quy định khá chặt chẽ khi nhập khẩu sản phẩm vào đây.
Theo quy định của Đài Loan, sản phẩm trà nhập khẩu vào thị trường này phải tuân thủ “quy định về kiểm tra thực phẩm và sản phẩm liên quan nhập khẩu”. Nhà nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (FDA), trong đó một số sản phẩm quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đại lục.
Bên cạnh đó, biểu thuế nhập khẩu của Đài Loan còn khá cao. Thuế quan nhập khẩu trà xuất xứ Việt Nam có mức 17-22%, hoặc 25% tùy loại. Đặc biệt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng Fipronil có trong sản phẩm cho phép còn 0,002ppm thay vì 0,005ppm (năm 2014)
Ông Cường cho rằng chè xuất khẩu sang Đài Loan được đóng gói với trọng lượng rất lớn, trên 3 kg, bao gói nhỏ hầu như không có. Trong khi đó, chè từ nhiều nước khác như Nhật Bản, Sri Lanka… nhập vào Đài Loan chủ yếu được đóng túi nhỏ, đóng hộp phù hợp pha chè uống hàng ngày hoặc làm quà tặng nhau.
Do vậy, để nâng cao sức cạnh tranh cho chè Việt Nam vào thị trường này, ông Cường khuyến nghị các doanh nghiệp cần có nghiên cứu tạo ra đột phá. Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, cần đa dạng hóa các sản phẩm chè. Ngoài các loại trà hiện nay, nên xem xét đầu tư sản xuất các loại khác như trà túi, trà cốc…
Mặt khác, chất lượng chè cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn của Đài Loan. Nếu sản phẩm đạt chất lượng tốt, không gian cho chè Việt Nam tại thị trường này rất lớn.
Việc quảng bá chè có chất lượng cao, xác minh nguồn gốc, chất lượng chè an toàn... là nhiệm vụ quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Các sản phẩm chè vào Đài Loan đều phải qua kiểm nghiệm đảm bảo lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không đảm bảo, không đạt sẽ không thể vào được Đài Loan.
Nói tóm lại, để mở rộng thị trường cho ngành chè cần có chiến lược bài bản làm tăng giá trị chè, xuất khẩu chè thành phẩm bằng thương hiệu riêng để tạo ra bước đột phá.
Hương Trà (t/h)