Đó là tiếng kêu thảng thốt của một giáo viên chỉ sau vài ngày học sinh trở lại trường.
Cô giáo ấy nói rằng: “Thật sự là chúng em mệt lắm.
|
|
Tự nhiên chia lớp làm 2, giờ dạy tăng lên gấp đôi, dạy xong về muốn lã người luôn, nhất là phải đeo khẩu trang dạy là một cực hình.
Hai ngày nay, vừa đeo khẩu trang vừa dạy 6 tiết/1 ngày. Toàn phải nói cố, yếm hơi không chịu được.
Chiều nay, Một em lớp trưởng bảo: “Cô ơi, chúng em đeo khẩu trang ngồi cách xa cô rồi.
Cô cứ việc bỏ khẩu trang ra dạy cho thoải mái. Có thế chúng em mới nghe rõ lời cô giảng.
Nghe mà mừng muốn rơi nước mắt, lại bảo, thế em ngồi gần cửa sổ canh giúp cô, nhỡ hiệu trưởng đi qua, lại gọi cô xuống văn phòng thuyết giáo.
Về tới nhà sao mệt rã rời, tự nhiên mình thấy phục mình quá! Mọi người ơi! Lên tiếng mạnh vào, cứu chúng em với!”.
Vì sao giáo viên lại kêu than?
Giãn cách lớp, giáo viên phải dạy thời lượng gấp đôi. Buổi sáng, dạy xong tiết 5, về đến nhà 12 giờ nấu ăn xong chưa kịp ăn chén cơm có thầy cô đã vội chạy đến trường cho kịp tiết dạy đầu.
Còn học sinh cũng ngồi học suốt cả ngày trong tư thế ngồi một chỗ, mặt bịt khẩu trang, nhiều em cho biết rất khó thở nhưng không dám lấy ra vì là quy định.Vào lớp, trời nóng nực, miệng luôn bịt khẩu trang và nói suốt buổi học chỉ có thánh thần mới chịu nỗi.
Ngồi học không được thoải mái thử hỏi làm sao thầy cô dạy tốt, làm sao học sinh có thể học tốt?
Giãn cách có nghĩa gì khi ra chơi học trò lại tụm năm tụm bảy?
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Bộ Y tế đã có quy định học sinh trong một lớp không quá 20 em và phải ngồi cách nhau 1.5m.
Để thực hiện đúng yêu cầu, các trường học đã thực hiện việc giãn cách và xếp chỗ cho học sinh. Nhưng việc làm này đã trở nên vô nghĩa khi trước giờ vào lớp và giờ ra chơi học sinh cứ tụm năm tụm bảy với nhau vui chơi, trò chuyện.
Lỗi này không thuộc về nhà trường, về giáo viên mà thuộc về cấp bộ khi đưa ra những quy định lại thiếu tính thực tế.
Trẻ con đâu phải người lớn ý thức cao trong chuyện này? Vừa dặn đó rồi lại quên ngay, cộng với tâm lý lứa tuổi luôn hiếu động, lăng xăng thì sao có thể ngồi yên một chỗ?
Bên cạnh đó, có không ít phụ huynh không theo quy định của nhà trường trong việc đưa đón trẻ tới trường.
Nhà trường quy định buổi sáng 6 giờ 30 phút (buổi chiều 1 giờ 30 phút tiểu học, 12 giờ 30 phút trung học) mới đến trường nhưng có người chở con tới trước cả tiếng đồng hồ và thả đó để đi làm.
Giáo viên được phân công đón học sinh cũng phải đúng giờ mới tới. Đến sớm, trẻ con gặp nhau đương nhiên tụm năm tụm ba vào nói chuyện và vui đùa.
Giờ ra chơi, thầy cô gào thét trên loa: “Các em không được túm tụm lại nói chuyện, em này phải cách em kia 2m”...Thầy cô hét mặc thầy cô, học trò cứ vô tư vui đùa bên nhau như chưa hề có những khuyến cáo ấy.
Chúng tôi dạy đã mệt không thể quản thêm trò lúc ra chơi
Mỗi thầy cô giáo một ngày phải dạy từ 5-7 tiết đã mệt bở hơi tai, có người còn nói không ra hơi.
Chỉ ít phút ra chơi, chúng tôi đi uống nước, ngồi xả hơi ít phút lấy lại sức cho những tiết học tiếp theo. Chúng tôi không thể vừa dạy xong chưa ráo mồ hôi lại phải đi canh chừng đám học sinh không cho chúng lại gần nhau được.
Nhưng nếu giáo viên chúng tôi không làm thì ai sẽ làm? Sẽ không ai làm cả, và như thế chuyện học trò tiếp xúc gần đã trở nên bình thường.
Ra chơi túm tụm nhau, vào lớp lại ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, đội mũ chống giọt bắn nó cứ nực cười sao ấy.
An toàn thì hãy đến trường
Quyết định cho học sinh đi học lại là các tỉnh thành đã nắm được sự an toàn của tỉnh mình. Đó là việc nhiều ngày qua không có ca nhiễm mới, thực hiện tốt việc khai báo y tế và quản lý tốt người xuất nhập cảnh.
Đã an toàn mới cho trẻ đến trường vì an toàn nên đừng bắt buộc chia lớp, bố trí học sinh ngồi cách nhau 1.5m trở lên.
Đừng bắt học trò, giáo viên phải bảo vệ bằng khẩu trang và lá chắn ngay trong lớp học.
Cái màn chắn này, nó sẽ làm mờ mắt học sinh. Còn đeo khẩu trang mà giảng bài thì học sinh cũng chẳng nghe được gì.
Tới trường để học, để vui chơi chứ không phải tới mà phải ngụy trang và bắt ngồi thu lu một chỗ. Còn chưa thật sự an toàn cũng đừng nên cố, vì như thế các em không những không học được gì lại còn phải chịu khổ thêm gấp nhiều lần.
Đỗ Quyên
Theo Giáo dục Việt Nam