Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc hữu vùng miền của địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng, đời sống nhân dân.
Mận hậu là cây trồng “bén duyên” với mảnh đất Mộc Châu vào đầu những năm 80 tại tiểu khu Sao Đỏ, thị trấn Nông Trường. Thời tiết, khí hậu tại đây rất thích hợp cho cây mận phát triển, cộng thêm hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô nên diện tích mận được mở rộng nhanh chóng. Sau hơn 30 năm phát triển, cây mận đã trở thành một sản phẩm chủ lực của địa phương này, giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Từ thực tiễn đó, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh như Yên Châu, Thuận Châu, thành phố đã nhân giống và trồng mận ở nhiều xã. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 12.300ha mận hậu, chiếm khoảng 13% diện tích cây ăn quả của cả tỉnh. Tổng sản lượng quả tươi mỗi năm khoảng 90.000 tấn. Quả mận Sơn La có vị chua thanh, ngọt dịu, giòn, thơm so với mận trồng ở vùng đất khác, được người tiêu dùng yêu thích, lựa chọn.
Nhận thấy nhu cầu của người dân về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao, tháng 7/2020, HTX nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu được thành lập với cây trồng chủ lực là mận hậu, chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, từ đó, tạo nên dòng sản phẩm Mận Ruby.
Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX Noọng Piêu cho biết: Qua tìm hiểu các quy định, tiêu chuẩn đáp ứng một sản phẩm OCOP năm 2023 vừa qua là rất chặt chẽ, là minh chứng rõ nhất giúp doanh nghiệp, HTX tạo niềm tin cho khách hàng. Do đó, HTX chúng tôi đã đăng ký sản phẩm Mận ruby dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh, với mong muốn khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và bà con nông dân liên kết trồng mận với HTX.
Cùng với quả Mận hậu, Sơn La cũng là địa phương có diện tích, sản lượng Nhãn lớn trong cả nước, với trên 19.600ha nhãn. Ngoài việc xuất bán quả tươi ra thị trường, tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng nhãn phát triển nghề chế biến Long Nhãn, xây dựng thương hiệu Long Nhãn Sơn La. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 600 cơ sở chế biến Long Nhãn, có 2 làng nghề chế biến Long Nhãn ở bản Hải Sơn và Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.
Nâng cao giá trị sản phẩm Nhãn, UBND tỉnh đã xây dựng quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm Nhãn và nông sản khác. Theo đó, hỗ trợ 726 kho bảo quản lạnh, đông lạnh, công ten nơ đông lạnh, lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh và dây truyền máy móc với tổng kinh phí hơn 27,4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất chế biến các loại hoa quả và nông sản khác cho một số cơ sở công nghiệp nông thôn theo chính sách khuyến công với kinh phí hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bảo Minh, huyện Sông Mã và Công ty TNHH Một thành viên Đạt Thủy, huyện Mai Sơn đã đầu tư hệ thống máy móc sản xuất Long Nhãn sấy khô. Năm 2023, sản phẩm Long Nhãn Đạt Thủy đã tham gia dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền, khá phong phú về chủng loại, gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Sau 4 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay, Sơn La có 151 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, những năm qua, tỉnh đã tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc… đảm bảo theo quy định. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.
Cũng trong năm 2023, Sơn La đã tổ chức triển khai Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Bộ tiêu chí mới đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới. Nếu như giai đoạn trước, việc đánh giá các sản phẩm OCOP phải từ cấp huyện, tỉnh đánh giá, thì trong giai đoạn này, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm sẽ được thực hiện từ ngay cấp xã, điều này, đảm bảo việc đánh giá được kỹ lưỡng và cụ thể hơn. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện sẽ công nhận các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước.
Sau khi đánh giá phân loại, các huyện, thành phố đã lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu tham dự sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt, ngày 24/1/2024, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2023. Theo đó, có 8 sản phẩm đạt chuẩn, gồm 4 sản phẩm phát triển mới đạt 4 sao là: Long Nhãn Đạt Thủy, Mận Ruby, Cà chua an toàn, khoai tây an toàn; 4 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, công nhận lại, gồm: Nấm linh chi Mạnh Thắng, Lạp sườn Hoa Xuân, Cao An xoa Uyên Thuận, Trà xanh Thiện.
Năm 2024, các huyện đã đăng ký và lập danh sách 60 sản phẩm OCOP, phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu đạt 210 sản phẩm, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, trung bình Mỗi xã một sản phẩm…
Theo đánh giá của người tiêu dùng và du khách: Chất lượng sản phẩm OCOP những năm vừa qua đã được nâng cao kể cả hình thức, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đa dạng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe nhất. Việc đổi mới cách đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang lợi thế, đặc trưng của địa phương.
Nguyễn Giang