Báo cáo Thương mại điện tử năm 2023 của Lazada cho biết, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2022 đạt mốc 14 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì, thậm chí ở mức cao hơn và lên đến 37% hàng năm, giúp GMV của ngành đạt con số 32 tỉ USD trong 3 năm tiếp theo. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số thương mại điện tử đã có sự chênh lệch lớn giữa Hà Nội và TP.HCM so với các địa phương còn lại. Sự khác biệt này được đo lường dựa trên ba chỉ số thành phần: Hạ tầng và nguồn nhân lực, Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Có thể thấy, việc tập trung gia tăng ba chỉ số thành phần sẽ là nhân tố thúc đẩy kinh tế số phát triển đồng đều giữa các địa phương, góp phần mang đến sự phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế số Việt Nam nói chung.
Theo số liệu của Statista, năm 2022 tỷ lệ thâm nhập của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam ước đạt khoảng 75,57% trên tổng dân số; đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ đạt mức 85,74%.
Đáng chú ý, báo cáo Digital 2022 phân tích: Việt Nam hiện có hơn 156 triệu thuê bao di động và có 97,6% người dùng Internet ở độ tuổi 16- 64 đang sở hữu smartphone. Cùng với sự phát triển về công nghệ được hỗ trợ bởi mạng 5G, điều này là yếu tố quan trọng thúc đẩy mạnh xu hướng thương mại di động tại Việt Nam.
Thống kê còn cho thấy trong tổng trung bình 6 giờ 38 phút sử dụng Internet mỗi ngày của người dùng ở Việt Nam thì có 3 giờ 32 phút (hơn 50% thời gian) được thực hiện trên thiết bị di động. Đáng chú ý nhất là đã có 12,4 tỷ USD được thực hiện thông qua mua bán trực tuyến và 50% lượng giao dịch đến từ thiết bị di động.
Đặc biệt, Statista nhận định: livestream sẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược thương mại xã hội của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới vì nó vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng, đánh bại các danh mục nội dung phổ biến khác, bao gồm cả giải trí.
Sự hấp dẫn của thương mại phát trực tiếp đến từ cơ hội xem sản phẩm trước khi mua và săn các chương trình khuyến mãi giá. Như vậy, cùng sự phát triển của hình thức thương mại xã hội, mua sắm trực tuyến qua livestream cũng đang và sẽ trở thành xu hướng quan trọng đối với người bán thương mại điện tử và người dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, VECOM cho biết có 18% doanh nghiệp sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử cho mục đích xuất khẩu, và đa phần trong nhóm này là các doanh nghiệp lớn. Hiệu quả mà các website/ứng dụng thương mại điện tử mang lại cho việc xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng nhận được sự đánh giá tích cực. Trong đó, có 34% doanh nghiệp đánh giá là hiệu quả và 7% doanh nghiệp cho là rất hiệu quả.