Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 10 tháng năm 2022, toàn ngành dệt may XK gần 38 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành dệt may đã XK đến 66 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 47-50 mặt hàng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn trong XK là quần áo may mặc các loại.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết: 10 tháng năm 2022, thị trường XK lớn nhất của dệt may Việt Nam là Mỹ, chiếm 13,9 tỷ USD; đứng thứ hai là thị trường các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với gần 4,8 tỷ USD; đứng thứ ba là thị trường các nước EU với gần 3,4 tỷ USD và Hàn Quốc đứng thứ tư với 2,5 tỷ USD.
Tuy có nhiều thuận lợi giai đoạn đầu năm nhưng ở nửa cuối năm, XK dệt may đối mặt không ít khó khăn. Hiện nay, DN XK đang chịu áp lực rất lớn về sụt giảm đơn hàng.
Theo các chuyên gia, xu hướng xanh của ngành bao gồm xây dựng các nhà máy xanh, sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường hơn, giảm tác động đến môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ năng lượng và nước...
Cách phổ biến nhất trong việc sử dụng năng lượng tái tạo là sử dụng năng lượng mặt trời trên mái của các nhà máy sản xuất.
Đồng thời, thay thế nồi hơi điện và tái sử dụng nước thải. Các biện pháp hướng tới môi trường xanh cần cả sự hỗ trợ của chính phủ và sự đầu tư tích cực của các công ty vào việc nâng cấp máy móc và công nghệ.
Tổng thư ký VITAS Trương Văn Cẩm đã nhấn mạnh công thức PPP (Lợi nhuận-Con người-Hành tinh) của hiệp hội là một mô hình rất phù hợp để thành viên hướng tới xanh.
"Theo mô hình này, các nhà sản xuất nên theo đuổi lợi nhuận song song với việc cải thiện điều kiện sống của người lao động và thực hiện sản xuất xanh để làm cho thế giới xanh hơn. Chuyển đổi số cũng là một biện pháp giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu", ông Trương Văn Cẩm phân tích.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV nhận định, ngành dệt may Việt Nam cần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh xanh, tiêu dùng xanh và tuần hoàn càng sớm càng tốt.
Vitas cho biết, đã trình Bộ Công thương và Chính phủ Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035.
"Chiến lược của ngành dệt may Việt Nam là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Từ đó, từng doanh nghiệp sẽ xây dựng giải pháp theo thực tế, để bắt kịp xu thế của các thị trường lớn như là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản", ông Vũ Đức Giang cho biết.
Vitas đã kiến nghị với Chính phủ, cũng như nêu rõ trong chiến lược phát triển dệt may Việt Nam vấn đề tài chính để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó có đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho các khu công nghiệp đạt chuẩn, đây là điều kiện đầu tiên nếu chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài cho các dự án sản xuất nguyên phụ liệu dệt may.