Trong báo cáo mới được cập nhật đối với CTCP Thế giới di động (MWG). Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, chuỗi thế giới di động, điện máy xanh và Topzone tăng 21% trong khi đó chuỗi bách hóa xanh chỉ tăng nhẹ 2%. Biên lãi gộp vẫn duy trì ở mức 22%. Lợi nhuận sau thuế của Công ty quý I/2022 cao thứ hai trong lịch sử hoạt động, đạt 1.445 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ban lãnh đạo MWG đưa ra kế hoạch kinh doanh 2022 của công ty với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế mục tiêu 140 nghìn tỷ đồng và 6.350 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với mức thực hiện năm 2021.
Theo PHS, Chuỗi điện máy xanh (ĐMX) và thế giới di động (TGDĐ) bước vào ngưỡng bão hòa, muốn tăng trưởng phải giành thị phần. Cụ thể, chuỗi ĐMX, TGDĐ vẫn là trụ cột chính trong ngắn hạn, đóng góp 75% doanh thu của MWG. Ban lãnh đạo cho biết mức tăng trưởng hai chuỗi này ~ 8-10%/năm, muốn tăng trưởng mạnh hơn cần phải giành thị phần, có thể mở thêm trung tâm điện máy và tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp hơn. Ngoài ra, MWG còn lấn sân sang thị trường Indonesia thông qua công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronic (Era Blue) với mục tiêu 500 cửa hàng điện máy trong vòng 5 năm và sau đó sẽ IPO công ty liên doanh này.
Đối với chuỗi bách hóa xanh (BHX) - “làm mới” chuỗi, chuẩn bị cho IPO trong tương lai. Cụ thể, ban lãnh đạo MWG cho biết Công ty tạm dừng mở rộng chuỗi BHX thay vào đó là tập trung xây dựng nền tảng backend (cải thiện không gian mua sắm, chất lượng sản phẩm,…) trong 2022 nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Dự kiến tháng 7/2022, khoảng 2000 shop BHX sẽ thay đổi layout. Ngoài ra, Công ty sẽ có chiến lược đưa một số nhóm hàng thành đích đến của BHX, đặc biệt là sản phẩm tươi sống - đây là định hướng trong tương lai. Về vấn đề IPO, Ban lãnh đạo cho biết chỉ khi nào BHX đủ lớn và hoạt động hiệu quả mới IPO, chính vì vậy năm 2022 chuỗi BHX cần xây dựng nền tảng vững chắc để chuẩn bị mở rộng ra Miền Bắc và Miền Trung sau khi gọi vốn thành công từ Cổ đông chiến lược.
Chuỗi nhà thuốc An Khang – tăng tốc trong 2022: Cuối 2021, MWG có 178 cửa hàng với doanh thu/ tháng/ cửa hàng khoảng 340-350 triệu đồng. Sau khi công ty nâng cấp website và thay đổi layout thì doanh số tăng gấp đôi lên 650 triệu đồng/cửa hàng trong tháng 3/2022. Công ty đã thay đổi website, trưng bày shop. Chiến lược của Công ty với chuỗi An Khang trong 2022 là (1) Thay đổi diện mạo mới: Công ty sẽ “làm mới” gần 200 cửa hàng cũ với logo mới hoàn toàn, dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 5/2022; (2) Đẩy mạnh tốc độ mở mới: Dự kiến cuối tháng 6 sẽ nâng số lượng nhà thuốc ~400 và đẩy mạnh việc mở mới trong các tháng cuối năm, mục tiêu đặt ra đứng top 3 số lượng chuỗi cửa hàng dược phẩm trong năm nay
Chuỗi mới – đẩy mạnh chuỗi Topzone, thử nghiệm và chọn lọc chuỗi AVA: TopZone có 31 cửa hàng – trong đó có 2 cửa hàng cao cấp theo mô hình APR (doanh thu 10-15 tỷ đồng/shop) và 29 theo mô hình nhỏ gọn AAR (6-8 tỷ đồng/shop). Dự kiến cuối tháng 5 có 50 cửa hàng, mục tiêu thị phần Apple của MWG ~40% trong 2022. Còn chuỗi Ava sẽ diễn ra theo quá trình thử và chọn lọc. Điển hình, chuỗi Ava Kids hoạt động hiệu quả, doanh thu 2 tỷ shop/tháng/ cửa hàng, sẽ được nhân rộng từ 20 lên 50 cửa hàng vào cuối tháng 5 này, mục tiêu dài hạn là đứng thứ 3 trong thị trường đồ trẻ em. Đối với các shop không hiệu quả, Công ty sẽ “dọn” hoặc liên kết với một bên khác.
“Trong 2022, chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MWG đạt 147.319 tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái) và 6.512 tỷ đồng (tăng 33%) nhờ tăng trưởng các chuỗi cửa hàng cũ và đóng góp đáng kể từ các chuỗi cửa hàng mới (Chuỗi An Khang, Topzone..)” PHS cho biết.
Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, PHS đưa mức giá hợp lý cho cổ phiếu MWG 181.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 21% mức giá hiện tại. Từ đó khuyến nghị mua cổ phiếu này.
Rủi ro được PHS đưa ra: Mảng điện thoại di động đang bão hòa; Rủi ro gia nhập ngành hàng mới; Áp lực cạnh tranh trong ngành hàng ICT và FMCGs.