Theo đó, năm 2024, tổng công ty lên mục tiêu tổng doanh thu 13.468 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.216 tỷ. 11 tháng đầu năm 2023, Viglacera ước đạt 1.663 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 37% kế hoạch năm. Như vậy, với kế hoạch trên thì dự kiến năm tới lợi nhuận của Viglacera sẽ suy giảm so với năm nay.
Trong quý IV/2023, đối với mảng bất động sản, công ty sẽ tập trung vào công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công xây lắp hạ tầng, đẩy mạnh công tác bán hàng tại các dự án nhà ở và khu công nghiệp, tiếp tục mở rộng phát triển mới các khu công nghiệp và nhà ở cho các năm tiếp theo.
Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viglacera cho biết sẽ rà soát các nhóm sản phẩm, đảm bảo phù hợp với thị trường cả về chất lượng, tính năng, giá bán và nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn công tác giới thiệu các sản phẩm giá trị cao tới thị trường trong đó có các sản phẩm như đá nung kết và kính siêu trắng.
Theo báo cáo phân tích của SSI Research dự báo năm 2024, doanh thu và lợi nhuận trước thuế sẽ lần lượt đạt 13.400 tỷ đồng và 2.020 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu kính xây dựng dự báo đạt 2.400 tỷ đồng (tăng 19%) – chiếm 18% tổng doanh thu. Theo Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, mức tiêu thụ kính dự kiến sẽ tăng khoảng 14% -15% trong năm 2024, do số lượng căn hộ mở bán mới sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024 và tăng trưởng từ các dự án đầu tư công như bệnh viện, sân bay...
Bên cạnh đó, giá kính xây dựng dự kiến sẽ phục hồi 4% so với cùng kỳ, với biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 16,1% (so với 3% trong năm 2023) nhờ sản lượng cao hơn giúp giảm chi phí cố định trên mỗi m2 kính và giá cao hơn.
Doanh thu thiết bị vệ sinh có thể đạt 982 tỷ đồng năm tới (tăng 2%) – chiếm 10% tổng doanh thu, với giả định giá bán đi ngang và biên lợi nhuận gộp dự kiến duy trì ở mức 30%.
Còn doanh thu gạch granite và ceramic dự kiến đạt 3.600 tỷ đồng năm tới (tăng 3%) – chiếm 25,6% doanh thu dự kiến do nhu cầu xuất khẩu tăng lên.
Nhóm phân tích cho biết mảng gạch granite và ceramic đang có mức giá bán cạnh tranh hơn và có nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho người tiêu dùng. Trong khi đó, doanh thu nội địa dự kiến phục hồi 2% và biên lợi nhuận dự kiến đạt 20% (tăng 2%) chủ yếu do giá cao hơn.
Với doanh thu cho thuê khu công nghiệp dự báo đạt 3.700 tỷ đồng (giảm 11,9%), chiếm 23% doanh thu dự kiến.
Còn theo đánh giá mới đây của Bảo Việt Securities (BVSC), kết quả kinh doanh của Viglacera được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh trong năm 2024 với động lực chính là mảng bất động sản. Với 12 khu công nghiệp đang sở hữu và vận hành, Tổng Công ty Viglacera hiện là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất tại miền Bắc.
Phần diện tích khu công nghiệp thương phẩm còn lại của Viglacera ước tính khoảng 1.139 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bứt phá khi dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có tín hiệu tích cực trở lại sau giai đoạn trầm lắng.
Đáng chú ý, các khu công nghiệp của Viglacera tại Bắc Ninh như Yên Phong IIC, Yên Phong mở rộng, Thuận Thành đều còn diện tích lớn, giá chào thuê cao, cũng như nằm gần tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
BVSC hiện dự báo lãi ròng năm 2024 của Tổng Công ty Viglacera có thể tăng tới 134% so với năm 2023. Doanh thu từ mảng bất động sản dự báo tăng mạnh khi diện tích cho thuê tăng thêm tới 250 ha (tăng 35% so với năm nay), nhờ bắt đầu mở bán mới Khu công nghiệp Thuận Thành 1 (Bắc Ninh) và Khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình).
Bên cạnh đó, trong quý IV/2023, Viglacera cho biết sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục cho công tác thoái vốn Nhà nước tại tổng công ty theo chủ trương tại văn bản ngày 22/05/2023 của Bộ Xây dựng. Xét về cơ cấu cổ đông, hai cổ đông lớn nhất hiện nay của Tổng Công ty Viglacera là Công ty CP Hạ tầng Gelex – công ty con của Công ty CP Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50,21% và 38,58%.
Tiến Hoàng (t/h)