Theo đó, KCN Trung Thành thuộc địa phận xã Yên Trung và xã Yên Thành (Ý Yên) có diện tích rộng 200 ha. Phía Bắc giáp đất nông nghiệp thuộc xã Thanh Tâm, Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; phía Nam giáp đường Thành Xá và cánh đồng, khu dân cư xã Yên Thành (Ý Yên); phía Đông giáp cánh đồng và khu dân cư thôn Nhuộng, xã Yên Trung (Ý Yên); phía Tây giáp cánh đồng và khu dân cư xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và giáp thôn Bô Sơn, xã Yên Thành (Ý Yên).
Quy hoạch KCN được xác định là KCN thu hút đa ngành nghề, có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan gồm trục không gian xây dựng các nhà máy công nghiệp là trục chính vào KCN, hệ thống các công trình dọc tuyến tạo nên bộ mặt của KCN hiện đại, dải cây xanh ven đường cùng tuyến kênh tưới nằm giữa dải phân cách hình thành trục cảnh quan chính cho KCN.
Khu trung tâm điều hành, thương mại dịch vụ được bố trí tại các khu vực cửa ngõ của KCN với tổ hợp các khối nhà dịch vụ cao 5 tầng, kiến trúc hiện đại, thống nhất, là công trình điểm nhấn, tạo ấn tượng về không gian cho người lao động trong KCN. Các cửa ngõ chính ra tuyến tỉnh lộ 495B ở phía Bắc và ra đường gom của đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ở phía Đông được bố trí là khu vực không gian trọng yếu, nơi diễn ra các hoạt động điều hành sản xuất, dịch vụ, giải trí... cho toàn KCN; được bố trí cổng chào và công trình điểm nhấn tạo hình ảnh hấp dẫn cho KCN.
Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Trung Thành được thực hiện theo định hướng phát triển Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ý Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt tại Quyết định số 3044/QĐ-UBND ngày 26-12-2017 của UBND tỉnh).
Mục tiêu nhằm hình thành một KCN đa ngành, có công nghệ sản xuất tiên tiến, văn minh hiện đại, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các cơ sở sản xuất công nghiệp, xí nghiệp, nhà máy và dịch vụ công nghiệp thân thiện với môi trường; kiến tạo môi trường làm việc an toàn, thuận lợi, cung cấp việc làm cho dân cư tại địa phương cũng như khu vực lân cận. Đồng thời quy hoạch mặt bằng, tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư, xây dựng và sử dụng hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cho dự án, đóng góp ngân sách địa phương; không thu hút các ngành dệt may, dệt nhuộm, da giày và các dự án sản xuất đồ chơi sử dụng nhiều lao động, dự án gây ô nhiễm môi trường.
Về các tiêu cơ bản về đất đai, hạ thầng kỹ thuật, quyết định cho biết, về chỉ tiêu về đất đai: các khu kỹ thuật: > 1%; Giao thông: > 10%; Cây xanh: > 10%.
Cụ thể, đất Trung tâm điều hành, thương mại dịch vụ mật độ xây dựng: 40%; Chiều cao tối đa xây dựng công trình: 5 tầng hoặc 20m; hệ số sử dụng đất: 2,0 lần. Đất công nghiệp mật độ xây dựng tối đa: 70%; chiều cao tối đa xây dựng công trình: 5 tầng hoặc 25m; hệ số sử dụng đất tối đa: 3,5 lần. Đất hạ tầng kỹ thuật mật độ xây dựng: 40%; chiều cao tối đa xây dựng công trình: 2 tầng hoặc 8m; hệ số sử dụng đất: 0,8 lần.
Về hạ tầng kỹ thuật: cấp nước công nghiệp: 40 m3/ha; công cộng, dịch vụ: 10% Qsx; nước rửa đường: 0,5 l/m2; cấp điện: công nghiệp: 500kw/ha; công cộng, dịch vụ: 30w/m2 sàn; khu hạ tầng kỹ thuật: 150Kw/ha; chiếu sáng giao thông: 1,2/m2 đất; thoát nước thải: dựa theo tiêu chuẩn cấp nước, cụ thể: công nghiệp (Qsx): 35m3/ha; công cộng, dịch vụ: 10% Qsx (100% tiêu chuẩn cấp nước).
Được biết, tỉnh Nam Định hiện có các KCN Hòa Xá, Bảo Minh (đã và đang hoạt động sản xuất, riêng KCN Bảo Minh đang được mở rộng thêm 50 ha diện tích), Mỹ Trung (trong tình trạng đầu tư hạ tầng dang dở; vướng mắc pháp lý), Rạng Đông, Mỹ Thuận (đang hoàn thiện hạ tầng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp); Trung Thành, Hồng Tiến, Xuân Kiên, Việt Hải (đang trong quá trình xúc tiến quy trình thành lập).
Tiến Hoàng