Thị trường chè toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 24,3 tỷ USD năm 2016; dự kiến đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025 theo nghiên cứu từ Research and Markets.
Điều này phản ánh xu thế tiêu dùng và nhận thức của người dân ngày càng cao với những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là chè. Từ đó, mở ra cơ hội lớn cho ngành chè Việt Nam - một quốc gia với tiềm năng "vàng xanh" quý giá từ những rừng chè lâu năm.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội, ngành chè Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng và đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đưa các sản phẩm chè cao cấp ra thị trường toàn cầu và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ.
Cán cân đang dịch chuyển từ “thô” sang “tinh”
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam đã chia sẻ về vấn đề này với phóng viên trong chương trình “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” phát sóng tối 28/9/2024 như sau: “Tỷ phần cho việc chế biến sâu ở Việt Nam mới tập trung ở một số tên tuổi khá lớn, còn lại đến 70% các sản phẩm của Việt Nam đang là chế biến thô. Nhưng cán cân này sẽ được dịch chuyển dần lên từ thô sang tinh nhiều hơn và việc này cũng hỗ trợ cho việc chúng ta xuất khẩu sản phẩm tinh ra thế giới nhiều hơn”.
Theo bà Hồng, “việc chế biến chè thô có thể đưa vào những ngành công nghiệp thực phẩm khác nhau để đưa ra những sản phẩm khác nhau. Ví dụ như chiết xuất ra nước, nghiền ra bột hay nén, tất cả các quá trình đó đều là chế biến sâu. Chế biến sâu còn có thể kết hợp trà với các loại hoa quả khác, thậm chí có thể biến nó thành đồ uống mà không hẳn là đồ uống mà coi như văn hóa. Bây giờ, tôi đánh giá Nhật cao hơn Mỹ ở trong việc sản xuất này. Còn cao hơn nữa thì tôi nghĩ là Việt Nam và Trung Quốc”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam đánh giá, Thương hiệu quốc gia là Cozy và Vinatea đều là những doanh nghiệp có tiến bộ vượt bậc so vơi doanh nghiệp trong ngành về cả nguyên liệu và nhà máy.
“Bây giờ trên thế giới có những vườn chè yêu cầu như là Rainforest (thân thiện với rừng), nghĩa là tạo ra một vùng sinh thái trong đó tất cả động vật đều có thể sống, ngoài ra không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thế giới không cho phép. Nhưng thuốc bảo vệ thực vật chưa chắc đã tác dụng lên người uống bởi vì khi pha trà, kiểm tra nước lại không có dư lượng. Các vườn chè Việt Nam về mặt xuất khẩu có khoảng 20% đạt tiêu chuẩn Rainforest”, bà Hồng nói.
Về vai trò của 3 chủ thể trong ngành chè - doanh nghiệp, chính quyền và hiệp hội cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng hoạt động và bắt kịp được xu thế mới của thị trường. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp vẫn giữ vai trò chính vì doanh nghiệp đầu tư, kêu gọi, sản xuất và bán hàng.
“Tuy nhiên doanh nghiệp cần hai cân ở hai bên, Hiệp hội Chè tạo ra cộng đồng doanh nghiệp và các hoạt động văn hóa để kêu gọi mọi người uống trà nhiều hơn hoặc tổ chức các hoạt động liên quan đến đào tạo, ví dụ các nghiên cứu hiện tại về việc uống trà có lợi cho sức khỏe, có khi chỉ đặt ở trên mặt bàn của chúng tôi thôi thì người dân chưa chắc đã được biết thì mình phải mã hóa, chuyển đổi nó như thế nào để cho người dân đọc thấy dễ hiểu và thực sự cảm thấy uống trà có lợi. Ví dụ khi tôi đi Trung Quốc ở một tỉnh sản xuất rất nhiều pin, đến nơi người ta mở ra rất nhiều nghiên cứu và mời các chuyên gia nghiên cứu đến để nói rằng: “Trà ở chỗ này có thể chống lại được bức xạ” và người ta tự hào nói về điều đó. Chính việc làm này là sự bắt tay giữa Hiệp hội, cơ quan nghiên cứu , cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”, bà Hồng nói.
Vùng nguyên liệu an toàn, ổn định là “điểm mấu chốt”
Dưới góc độ doanh nghiệp, Ông Lê Hồng Thái - Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Sản Phẩm Sinh Thái (Trà Cozy) cho biết, “nhắc đến Việt Nam người ta nhắc đến một đất nước về nông nghiệp, có lợi thế đa dạng nguồn trái cây tự nhiên. Rất nhiều người làm trà ở Việt Nam đã từng mix các loại hoa như: hoa nhài, hoa sen; những loại quả như: quả vải, quả dâu, quả đào. Chúng tôi có tổ chức những buổi nghiên cứu thị trường, dựa vào những sản phẩm mang tính truyền thống của Việt Nam cùng với việc tạo ra những bài kiểm tra, những buổi đánh giá thị trường. Nhu cầu thị trường hiện nay thay đổi rất nhanh và bắt buộc doanh nghiệp phải vận động cực kỳ nhạy bén”.
Theo ông Thái, việc phát triển một thương hiệu bền vững đến từ việc phải tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt thì yếu tố đầu tiên là phải có nguồn chất lượng đầu vào đảm bảo các khâu từ trồng trọt, chế biến, phân phối và đóng gói đến tay người tiêu dùng, mấu chốt căn bản là phải có vùng nguyên liệu an toàn, ổn định.
“Không chủ động được về nguồn nguyên liệu thì chắc chắn chúng tôi không thể đáp ứng được sản lượng đầu ra và không tạo dựng được uy tín của thương hiệu. Khi chúng tôi tổ chức được vùng nguyên liệu đồng nghĩa với việc chúng tôi cam kết đi được cùng với người dân ở đó tổ chức việc làm, hướng dẫn bà con cách làm, tổ chức bao tiêu, thu mua sản phẩm. Hiện tại chúng tôi đã có nhiều vườn chè theo tiêu chuẩn VietGAP, bắt buộc phải đáp ứng được tiêu chuẩn mà nhà nước công bố như: HACCP, ISO 22000, tiêu chuẩn xuất khẩu Halal cũng đáp ứng được”, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Sản Phẩm Sinh Thái (Trà Cozy) khẳng định.
Cần cơ chế, chính sách mang tính “đột phá”
Báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, hiện nay diện tích chè cả nước là hơn 120 nghìn ha, trong đó, diện tích chè kinh doanh ổn định với 110 nghìn ha, năng suất tăng mạnh từ 7,47 tấn/ha lên 9,75 tấn/ha.
Trong hoạt động chế biến một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cho nên giá trị từng bước được nâng cao. Nhiều cơ chế, chính sách từ cấp Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè; các sản phẩm làm từ cây chè đang ngày càng đa dạng và phong phú, bảo đảm sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định mục tiêu phát triển ngành chè bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa, các sản phẩm đa dạng có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng chè của Việt Nam đạt từ 135 đến 140 nghìn ha; đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%.
Để làm được điều đó, các bộ, ngành, địa phương cần khuyến khích và tạo điều kiện tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông tại các vùng sản xuất chè; xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại vùng chè; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển vùng chè chủ lực gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái...
Đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích nhân dân sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ nhân dân liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…
Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam; Đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến.
Các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cần thực hiện tốt công tác quản lý diện tích chè nguyên liệu, đảm bảo diện tích chè hiện có. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, các địa phương về phát triển sản xuất chè an toàn; kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè.
Các địa phương trồng chè cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất chè an toàn; triển khai các dự án khoa học - công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến chè an toàn.