Nâng cao năng suất cây chè vụ đông

Với mục tiêu hạn chế và xóa bỏ dần tình trạng khan hiếm chè vào mùa đông, hiện nay, nhiều hộ dân đã áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để nâng cao năng suất cây chè vụ đông.

Bản chất của cây chè là cây ưa nhiệt, nhiệt độ lý tưởng để cây chè sinh trưởng và phát triển là 25 - 28 độ C. Vào mùa đông, cây chè chịu lạnh rất kém, thậm chí có những năm nhiệt độ xuống thấp dẫn đến chết cả một đồi chè. Chính bởi bản chất chịu lạnh kém, nên sản lượng chè sản xuất ra trong mùa đông là rất thấp, hầu như không nhiều gia đình có chè để bán.

Mặt khác, theo những người dân trồng chè lâu năm, chè có bảo quản tốt đến đâu thì cũng chỉ uống ngon nhất trong vòng 3 tháng đầu, sau 6 tháng thì mất cả hương lẫn vị. Thêm vào đó, dù sản lượng không bằng chè chính vụ nhưng giá bán chè vụ đông lại cao hơn do nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng đã thôi thúc, tạo động lực cho bà con chú trọng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè vụ đông.

Anh Đinh Quốc Văn ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng thành công phương pháp sản xuất “ép” cây chè cho ra búp vào vụ đông. Được biết đến là một nông dân ham học hỏi, sáng tạo ra cách làm mới để nâng cao năng suất, chất lượng cây chè, anh Văn là người đi đầu trong việc ứng dụng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Vô Tranh. Anh được người dân bầu làm Tổ trưởng sản xuất chè VietGAP ở xóm Trung Thành 1.

Mô hình “ép” cây chè cho ra búp vào vụ đông của anh  Đinh Quốc Văn trú tại xã Vô Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) thành công mang lại hiệu quả cao
Mô hình “ép” cây chè cho ra búp vào vụ đông của anh  Đinh Quốc Văn trú tại xã Vô Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) thành công mang lại hiệu quả cao

Theo anh Văn: “Chúng tôi phải hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm, sau thu hái không được để chè lâu, sao chè cũng không được để lẫn nước, tránh bị giập búp chè. Các thành viên trong tổ đóng tiền để mua máy đóng gói, hút chân không cho sản phẩm chè”. Nhờ cách làm mới, giá trị chè thành phẩm trước đây chỉ 100.000 - 150.000 đồng/kg đã được nâng lên thành 200.000 - 300.000 đồng/kg.

Nhưng thế là chưa đủ, anh Văn luôn mong muốn phải nâng được giá trị của sản phẩm chè. Nhất là việc có thể sản xuất thêm được lứa chè trái vụ, tăng giá trị kinh tế.

Anh Văn cho biết thêm: “Mỗi năm chè cho thu hoạch từ 6 - 7 lứa, chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 10, còn vào mùa đông do thời tiết lạnh nên chè thường chậm phát triển. Từ năm 2014, để cây chè phát triển không phụ thuộc vào thời tiết tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu cách làm chè trong nhà kính khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp dưới 15 độ C”.

Ban đầu, anh Văn đơn giản dùng tre, nứa, nylon làm giàn che khoảng 700m2 diện tích chè. Kết quả là vụ đông đầu tiên gia đình anh thu hoạch được 30kg búp khô mỗi lứa, giá bán đạt 400.000 đồng/kg, gấp đôi so với chè chính vụ.

Đến năm 2015, anh Văn đã đầu tư khung giàn che bằng kim loại để chăm sóc chè vào mùa đông. Theo tính toán, với việc trồng trong nhà kính, giá trị chè tăng gấp đôi, với 1 ha chè trước đây anh Văn chỉ thu nhập được khoảng 600 triệu. Nếu chuyển hết sang sản xuất trong nhà kính thì doanh thu sẽ đạt xấp xỉ 1,2 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc sản xuất chè trong nhà kính không chỉ giúp tăng năng suất cây chè khi thời tiết lạnh mà còn có nhiều ưu điểm khác. Cụ thể, người trồng chè giảm được tần suất tưới chè do trong nhà kính độ ẩm của đất được giữ tốt hơn. Bên cạnh đó, khi được che phủ bảo vệ, cây chè hạn chế được sự phát triển của sâu bệnh, các loại côn trùng gây hại, tránh được sương muối ảnh hưởng đến búp chè.

Ngoài phương pháp “ép” cây chè cho ra búp vào vụ đông, những năm trở lại đây, bà con nông dân trong tỉnh Thái Nguyên còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng
Bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng

Theo ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật: Sau khi thu hái lứa chè chính vụ cuối cùng vào tháng 8, bà con tiến hành đốn chè, dọn dẹp vệ sinh cỏ dại, tỉa bớt cành lá và tạo tán. Nhằm hạn chế sâu bệnh, bà con phun thuốc lên tán và tập trung bón phân, tưới nước để chè nhanh ra búp. Đối với các hộ sống cạnh ao, hồ, sông, suối thì tận dụng nguồn nước tưới tự nhiên. Đối với các hộ không tiện nguồn nước thì tự khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới chè. Để phòng trừ các loại sâu bệnh hại, bà con cần thực hiện trồng và chăm sóc chè đúng kỹ thuật, bón phân cân đối, hợp lý nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho cây chè phát triển, đồng thời cải tạo đất. Đặc biệt, bà con cần lưu ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tuân thủ đúng thời gian cách ly để đảm bảo sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Nếu như trước đây, bà con thường sử dụng thuốc trừ cỏ và phân hóa học thì nay, người dân đã dùng máy cắt cỏ, sau đó vùi tại rãnh chè để hạn chế cỏ mọc và giữ ẩm cho đất. Đồng thời, sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh để bón cho cây chè. Quy trình bón phân cũng thay đổi, từ việc bón vãi trên lá thì nay bà con đã cuốc hố để vùi phân trong đất, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng từ từ và hạn chế rửa trôi phân bón.

Ngoài ra, bà con cũng đã đầu tư hệ thống tưới bằng van xoay để giảm chi phí về công lao động. Trong quá trình chế biến, nhiều hộ sử dụng tôn quay, máy vò chè bằng điện và máy hút chân không để bảo quản sản phẩm chè giữ nguyên hương vị đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cây chè, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung cải tạo, trồng thay thế giống chè cũ bằng các giống chè mới, chất lượng cao như: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên… đưa diện tích trồng chè giống mới chiếm hơn 70%.

Văn Chung (t/h)