Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành văn hoá trà 

Thái Nguyên – “Đệ nhất danh trà” – không chỉ nổi tiếng với sản phẩm chè hảo hạng mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo. Với chiến lược gắn kết sản xuất, du lịch và bảo tồn di sản, trà Thái Nguyên đang vươn tầm, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Thái Nguyên từ lâu đã được ví như “Đệ nhất danh trà” nhờ thiên nhiên ưu đãi và bề dày truyền thống sản xuất trà đặc sản. Những nương chè xanh ngát trên mảnh đất này không chỉ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hành trình xây dựng và nâng tầm thương hiệu “Trà Thái Nguyên” là minh chứng cho sự cam kết mạnh mẽ của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa trà.

Với trên 23.000ha diện tích trồng chè với 5 vùng chè đặc sản, năm 2023 tổng thu từ chè của Thái Nguyên đạt khoảng 13.000 tỷ đồng.
Với trên 23.000ha diện tích trồng chè và 5 vùng chè đặc sản, năm 2023 tổng thu từ chè của Thái Nguyên đạt khoảng 13.000 tỷ đồng.

Không chỉ sở hữu điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, Thái Nguyên còn được biết đến với tri thức canh tác và chế biến chè tinh tế, được truyền qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, vùng chè Tân Cương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là bước tiến quan trọng giúp khẳng định giá trị không chỉ của sản phẩm trà mà còn cả văn hóa trà gắn liền với đời sống người dân.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, cùng các doanh nghiệp và nghệ nhân trong ngành chè đến tham dự buổi chia sẻ về những chiến lược phát triển lâu dài.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, cùng các doanh nghiệp và nghệ nhân trong ngành chè đến tham dự buổi chia sẻ về những chiến lược phát triển lâu dài.
Nghệ nhân chè Hoàng Anh Sướng chi sẻ về văn hóa trà Việt Nam.
Nghệ nhân chè Hoàng Anh Sướng chi sẻ về văn hóa trà Việt Nam.

Những kỳ Festival Trà Thái Nguyên thành công liên tiếp đã góp phần quảng bá mạnh mẽ, đưa hình ảnh trà Thái Nguyên vượt ra ngoài biên giới quốc gia, trở thành món quà ngoại giao ý nghĩa trong các sự kiện quốc tế và quà tặng cho nhiều nguyên thủ. Với sự đầu tư đúng hướng, Thái Nguyên đang từng bước biến cây chè trở thành cây trồng tỷ đô, đóng vai trò chiến lược trong nền kinh tế địa phương.

Ngày 25/10, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, cùng các doanh nghiệp và nghệ nhân trong ngành chè, đã chia sẻ về những chiến lược phát triển lâu dài. Ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa sản phẩm trà, gắn kết văn hóa trà với du lịch và khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp, đặc biệt là với HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho người làm chè.

Các doanh nghiệp và nghệ nhân trong ngành chè chụp ảnh lưu niệm.
Các doanh nghiệp và nghệ nhân trong ngành chè chụp ảnh lưu niệm.

Nghệ nhân chè Hoàng Anh Sướng chia sẻ: "Thái Nguyên là một trong những vùng Trà độc nhất Việt Nam và những người yêu Trà Việt Nam đều biết đến Trà Thái Nguyên. Chính vì thế lần này tôi lên đây hợp tác cùng với Công ty Chiến Công và Ủy ban dân tỉnh để kết hợp tổ chức những buổi tập huấn, chia sẻ với những người làm Trà ở Thái Nguyên về văn hóa trà Việt Nam, về vẻ đẹp của nghệ thuật thưởng trà Việt Nam".

Ông Đinh Huy Chiến, Giám đốc HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công: "Hợp tác xã chúng tôi sẽ đồng hành với tỉnh Thái Nguyên và đặc biệt là đồng hành với người dân, các doanh nghiệp, doanh nhân làm về nghề trà Thái Nguyên để qua đó giá trị của sản phẩm trà Thái Nguyên sẽ được nâng cao hơn".

Và lộ trình “Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành văn hóa trà” đã được khởi động bằng lớp tập huấn, trao đổi giữa nghệ nhân trà với hội viên các Hội, Hiệp hội, Liên minh HTX, làng nghề chè... trên địa bàn tỉnh - những người nhiều năm làm chè, bám chè, sống bằng chè.

Phát triển văn hóa trà không chỉ là câu chuyện về hương vị mà còn là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh. Bà Đỗ Thị Hiệp, Nghệ nhân chế biến chè tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi rất yêu nghề chè và rất đam mê làm chè, không những là một người nghệ nhân để truyền tải các thông tin về cái kỹ thuật chế biến chè cho nông dân mà tôi còn muốn truyền tải đến nông dân những nét đẹp về văn hóa trà của Việt Nam và tìm hiểu những cái văn hóa trà của thế giới để trao đổi với nông dân để cho nông dân không những là những người làm trà giỏi mà còn biết về văn hóa trà nữa, để nâng tầm sản phẩm trà của Thái Nguyên".

Bà Ngô Thị Vân, HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên: "Mình làm trà nhưng cũng kết hợp với tiếp khách du lịch cộng đồng. Qua lớp học này mình cũng được mở mang thêm, đó là khi khách đến với Tân Cương thì mình sẽ giới thiệu cho khách về cái văn hóa thường trà".

Chương trình phát triển văn hóa trà gắn với du lịch đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2023, với hơn 23.000 ha diện tích trồng chè, Thái Nguyên đã thu về khoảng 13.000 tỷ đồng từ sản phẩm trà. Bên cạnh đó, Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị văn hóa trà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tỉnh trong việc hoạch định các chiến lược lớn nhằm đưa thương hiệu “Trà Thái Nguyên” vươn xa hơn nữa.

Thái Nguyên đang từng bước chuyển mình để biến cây chè thành biểu tượng văn hóa và thương hiệu quốc gia. Hành trình này không chỉ yêu cầu sự nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp, mà còn cần sự đồng hành từ cộng đồng người dân. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của trà không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần xây dựng một hình ảnh Thái Nguyên giàu bản sắc.

Trong tương lai, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các nghệ nhân, doanh nghiệp và chính quyền, văn hóa trà Thái Nguyên sẽ không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn trở thành di sản văn hóa Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến và yêu mến. Trà Thái Nguyên, từ những nương chè nhỏ bé, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới.

Tâm Ngọc

Từ khóa:
#h