Ngân hàng Nhà nước triển khai phương án bình ổn thị trường vàng mới

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.

NHNN triển khai phương án bình ổn mới.  
NHNN triển khai phương án bình ổn mới.  

Theo đó, NHNN cho biết, sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024. Nhằm mục tiêu bình ổn thị trường vàng, NHNN đã nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC kể từ ngày 22/4 sau 11 năm dừng hoạt động đấu thầu.

Theo thống kê, tính từ lúc đấu thầu trở lại, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được NHNN tổ chức. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường. Dù đã giúp tăng cung cho thị trường nhưng cho đến nay việc đấu thầu vẫn chưa có tác dụng đáng kể trong việc "hạ nhiệt" giá vàng, chưa khắc phục được tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới.

NHNN cho rằng, việc tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại (sau 11 năm) là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhà điều hành, sau vàng được "bơm" ra thị trường thông qua đấu thầu, giá vàng trên thực tế không hề giảm nhiệt. Bản thân sau mỗi phiên đấu thầu thành công của NHNN, giá tham chiếu và trúng thầu cho phiên đấu thầu tiếp theo lại được đẩy lên.

Theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, nếu nhập khẩu tốn hết khoảng 3 tỷ USD - một con số không quá lớn. Chưa kể, cho phép xuất nhập khẩu chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ. 

Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu Hội đồng Vàng thế giới - Ông Shaokai Fan cho rằng, kết quả các phiên đấu thầu vàng chưa rõ ràng do thời điểm Ngân hàng Nhà nước tiến hành đấu giá vàng diễn ra đúng vào thời điểm giá vàng trên thế giới tăng rất mạnh. Vì vậy, ngay cả khi nguồn cung trong nước có thể được tăng lên thông qua việc các phiên đấu thầu thì giá vàng trong nước vẫn tăng theo giá vàng thế giới. Chuyên gia này cho rằng, cách quan trọng nhất để để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là phải cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng.  

Về nỗi lo nhập khẩu vàng sẽ gây áp lực lên tỷ giá, ông Shaokai Fan cho rằng, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đứng trước tình trạng khó khăn này. Ấn Độ là một ví dụ điển hình, nước này đã có nhiều giải pháp để vừa tạo ra cân bằng cung – cầu vàng trong nước mà vẫn không bị ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân tài khoản vãng lai.

Thực tế, các quy định về nhập khẩu vàng của Việt Nam hiện nay rất chặt chẽ song  bằng cách nào đó, vàng nhập khẩu vẫn vào Việt Nam qua các kênh khác nhau. Nói cách khác, Việt Nam vẫn đang phải chi lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, nếu Chính phủ cho phép nhập khẩu thì sẽ quản lý được tốt hơn. 

Theo một khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News, cho thấy hơn 3/4 chuyên gia trong ngành tin rằng giá vàng đã ổn định hoặc sẽ giảm trong thời gian tới, trong khi một nửa số nhà giao dịch bán lẻ vẫn tin rằng kim loại quý có thể tăng cao hơn trong những ngày tới.

Tiến Hoàng