Thái Nguyên đẩy mạnh sản xuất chè sạch: Hướng tới chuẩn hóa quốc tế

Thái Nguyên đang từng bước chuyển mình từ “thủ phủ chè” truyền thống thành trung tâm sản xuất chè sạch đạt chuẩn quốc tế, mở ra cơ hội nâng cao giá trị, chinh phục thị trường khó tính và khẳng định vị thế chè Việt trên bản đồ thế giới.

Không ngẫu nhiên mà Thái Nguyên được mệnh danh là “thủ phủ chè” của Việt Nam. Với hơn 24.000 ha chè và sản lượng ổn định hàng năm, cây chè không chỉ là sinh kế mà còn là niềm tự hào của hàng chục ngàn hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước ngày càng siết chặt tiêu chuẩn chất lượng, việc chuyển mình từ sản xuất truyền thống sang “chè sạch” không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là con đường sống còn để chè Thái Nguyên vươn ra thị trường quốc tế một cách bền vững.

Và giờ đây, từ những vùng chè cổ truyền ở Tân Cương, Phúc Xuân đến các làng nghề như Tiền Phong, La Bằng, làn sóng sản xuất chè sạch đang từng bước lan rộng, tạo nền tảng cho hành trình chuẩn hóa quốc tế.

Hiện nay, Thái Nguyên có trên 6.000ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay, Thái Nguyên có trên 6.000ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Chè sạch, hiểu một cách đơn giản, là chè được sản xuất theo các quy trình an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không hóa chất độc hại, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trồng trọt đến chế biến. Tại Thái Nguyên, quá trình chuyển đổi này bắt đầu từ việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – và tiến tới chứng nhận hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, các chính sách hỗ trợ người trồng chè trong nhiều năm qua đã tạo hiệu ứng tích cực. Từ đào tạo, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống mới, đến phân bón hữu cơ, máy móc, hệ thống tưới tiết kiệm nước, các hộ trồng chè giờ đây đã có cái nhìn khác về chất lượng và giá trị của sản phẩm mình làm ra.

Sản xuất chè an toàn nâng chất lượng, giúp Thái Nguyên có 195 sản phẩm đạt OCOP 3–5 sao.
Sản xuất chè an toàn nâng chất lượng, giúp Thái Nguyên có 195 sản phẩm đạt OCOP 3–5 sao.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 6.000ha chè đạt chứng nhận VietGAP và khoảng 120ha chè đạt chuẩn hữu cơ những con số tuy chưa lớn, nhưng mang ý nghĩa chiến lược. Mỗi ha đạt chuẩn là một bước tiến trên hành trình xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên “sạch từ gốc” đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.

Câu chuyện của ông Nguyễn Thành Năm, một hộ dân tại làng nghề chè Tiền Phong (xã Văn Hán) là minh chứng sống động cho hiệu quả từ sản xuất chè sạch. Từ năm 2014, gia đình ông chuyển 1 mẫu chè sang sản xuất theo chuẩn VietGAP. Kết quả: giá bán chè khô tăng gấp đôi, dao động 250.000 đến 300.000 đồng/kg, đồng thời thị trường tiêu thụ ổn định và dễ mở rộng.

Không chỉ vậy, mô hình chè sạch còn góp phần thay đổi thói quen canh tác, bảo vệ đất đai, nguồn nước, không khí và sức khỏe cho chính người trồng chè. Đó là những giá trị bền vững vượt xa yếu tố kinh tế đơn thuần.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sản xuất chè sạch đang gặp không ít rào cản. Diện tích chè đạt chuẩn hữu cơ hiện vẫn còn khá khiêm tốn chỉ chiếm chưa tới 0,5% tổng diện tích toàn tỉnh. Mỗi năm, Thái Nguyên chỉ tăng được khoảng 500ha chè đạt chứng nhận VietGAP. Điều này phần nào phản ánh những khó khăn trong việc nhân rộng mô hình: chi phí đầu tư cao, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, thiếu cơ chế liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến bài bản.

Một thực tế khác: nhiều hộ dân dù muốn chuyển sang sản xuất sạch nhưng vẫn còn e ngại vì thiếu đầu ra ổn định, sợ giá cả không bù chi phí. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho tỉnh trong việc hoàn thiện hệ sinh thái chè sạch từ chính sách hỗ trợ, truyền thông nâng cao nhận thức, đến thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập thương mại sâu rộng, chè Thái Nguyên nếu muốn giữ vững vị thế và gia tăng giá trị, không thể dừng lại ở tiêu chuẩn trong nước. Thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ… yêu cầu sản phẩm phải đạt chứng nhận hữu cơ, chứng nhận ISO, HACCP, hoặc các tiêu chuẩn như Rainforest Alliance, UTZ Certified. Đây không chỉ là hàng rào kỹ thuật, mà còn là “vé thông hành” cho sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Để chuẩn hóa quốc tế, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn quy mô lớn, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật; thúc đẩy ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, cơ giới hóa khâu thu hái, sơ chế, chế biến; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; đồng thời tạo cơ chế để các doanh nghiệp chè mạnh dạn đầu tư vào sản phẩm sạch, truy xuất được, có bao bì nhãn mác và thương hiệu rõ ràng.

Với tiềm lực sẵn có, cùng định hướng chiến lược rõ ràng, Thái Nguyên hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm chè sạch chuẩn hóa quốc tế. Nhưng để làm được điều đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã đến người nông dân.

Sản xuất chè sạch không đơn thuần là cuộc cải cách nông nghiệp mà là hành trình thay đổi tư duy, xây dựng niềm tin và tạo giá trị bền vững. Đó không chỉ là cơ hội, mà còn là sứ mệnh để chè Thái Nguyên tiếp tục tỏa hương không chỉ trong nước, mà còn trên thị trường toàn cầu.

Hiền Nguyễn

Từ khóa:
#h