Một cửa hàng chỉ vỏn vẹn 100m2, từ 2 đến 3 nhân viên nhưng lại mang về doanh thu trung bình 1 tỉ đồng/tháng, tỉ suất lãi gộp tương đương toàn hệ thống 23%, và tỉ suất nhuận sau thuế thậm chí còn cao hơn, ở mức 4,6%. Đây là mô hình kinh doanh cửa hàng siêu nhỏ - siêu thị mini mà Thế giới di động đang theo đuổi.
Masan - đơn vị sở hữu chuỗi VinMart/VinMart+ cũng đã lên kế hoạch để tập trung phát triển mạng lưới siêu thị mini VinMart+ trong thời gian tới.
Siêu thị mini cũng chính là xu hướng bán lẻ hiện đại trên thế giới, trước sự cạnh tranh khốc liệt đến từ thương mại điện tử và thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.
Siêu thị mini: "Đây thực sự là một biểu tượng của tương lai"
Đã có một thời gian dài người ta cho rằng thời của các cửa hàng vật lí đã hết, và rằng nó sẽ không có tương lai trong một thế giới mua sắm online, làm việc online,... phát trển như vũ bão. Tuy nhiên, về bản chất cửa hàng vật lí không chết, nhưng nó đang thay đổi.
Viết về những thay đổi đang diễn ra trong ngành bán lẻ hiện đại, báo cáo thị trường của MES năm 2019 nhận xét: Nhu cầu về sự tiện lợi trong mua sắm đang định hình lại ngành bán lẻ của châu Á, cả ở thành thị và nông thôn.
Việc thay đổi các hình thức bán lẻ đang trở nên phổ biến, khi các cửa hàng tiện lợi tại Trung tâm các thành phố lớn ngày một phình to, trong khi xuôi về phía ngoại ô và các vùng nông thôn, mật độ xuất hiện các siêu thị mini ngày một nhiều.
Những người tiêu dùng nông thôn, trước đây thường bị bỏ qua trong những chiến lược marketing, giờ lại trở thành tâm điểm chú ý của các hãng bán lẻ.
Những siêu thị mini này thường được gọi là High Frequency Stores (HFS - tạm dịch: Cửa hàng tần suất cao), thường được đặt ở những vị trí thuận tiện cho người mua sắm, chi phí rẻ và dễ phát triển.
Với lối "tiếp thị du kích", những mô hình cửa hàng mới mẻ này đang được đón nhận rất tích cực tại châu Á.
Chẳng hạn, tại Thái Lan, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đang đàm phán với những cửa hàng tạp hoá ở các địa phương để tích hợp họ vào mạng lưới cửa hàng sử dụng thương hiệu 7-Eleven theo hình thức nhượng quyền.
Tại Indonesia, những cửa hàng nhỏ vốn phổ biến với người tiêu dùng nông thôn thu nhập thấp, đang được các chuỗi bán lẻ tiện lợi hàng đầu như Indomart hay Alfamart thèm muốn. Những ông lớn bán lẻ này đang tìm cách đa dạng hoá mạng lưới các cửa hàng của mình.
Đây thực sự là một biểu tượng của tương lai.
Brian Cornell, Giám đốc điều hành Target
Hay nhà sản xuất đồ nội thất khổng lồ của Thuỵ Điển, IKEA ngay từ năm 2018 đã dẫn đầu xu hướng mở các showroom siêu nhỏ nhằm cho phép người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm trực tiếp trước khi đặt hàng trực tuyến.
Ngoài ra, với IKEA, những siêu thị mini được bố trí với mật độ dày còn đóng vai trò là các trung tâm giao hàng. Nhà bán lẻ này đã công bố kế hoạch về dịch vụ giao hàng siêu tốc, đầu tư vào hệ thống hậu cần và phân phối để cung cấp dịch vụ giao hàng trong vòng 24h cho hầu hết 10.000 sản phẩm của mình.
Target - Tập đoàn bán lẻ sở hữu 1.800 siêu thị ở Mỹ, mới đây cũng đã mở rộng hình thức cửa hàng có diện tích nhỏ. Tính đến cuối năm 2019, Target đã khai trương 130 Siêu thị mini trên khắp nước Mỹ.
Hồi tháng 10 năm ngoái, trong buổi lễ khai trương một siêu thị mini tại Midtown Manhattan, New York, ông Brian Cornell, Giám đốc điều hành Target khẳng định: "Đây thực sự là một biểu tượng của tương lai".
Ngành bán lẻ Việt Nam thay áo mới
Đã có một thời kì ngành bán lẻ Việt Nam phát triển rầm rộ với những cửa hàng siêu lớn, chễm chệ nằm trên những mặt tiền bạc tỉ, những con phố đông đúc người qua với loa đài ầm ĩ cùng những banner sặc sỡ để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Tuy nhiên, giai đoạn phát triển nóng ấy đã đi qua. Thị trường bước vào giai đoạn bão hoà khi những đại siêu thị như vậy không còn sản sinh lợi nhuận cho chủ đầu tư như kì vọng ban đầu.
Đặc biệt, kể từng khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ, mô hình siêu nhỏ này lại càng cho thấy tính ưu việt của nó bởi tính cơ động và có thể giảm đáng kể thiệt hại khi phải đóng cửa tạm thời.
Hệ thống thegioididong.com từng được coi là biểu tượng phát triển thần tốc của MWG trong những năm trước, có thời điểm chuỗi này vuợt mốc hơn 1.000 cửa hàng.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, với doanh thu liên tục ở mức âm, MWG đã đóng cửa 49 cửa hàng thegioididong.com, giảm từ 1.015 cửa hàng xuống còn 966. Kế hoạch trong năm 2020, MWG cho biết sẽ tiếp tục giảm số lượng các cửa hàng này xuống con số 800.
Hệ thống bán lẻ VinCommerce của Masan hiện đang là đơn vị sở hữu nhiều điểm bán lẻ lớn nhất Việt Nam với hai hệ thống gồm đại siêu thị VinMart và chuỗi siêu thị VinMart mini.
Quí II VinMart+ ghi nhận doanh thu tăng 51%. Chỉ số tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng (SSSG), VinMart+ ghi nhận mức 3%. Ngược lại, doanh thu từ mảng kinh doanh siêu thị VinMart lại giảm 15% so với cùng kì, chỉ số SSSG cũng âm 8% trong quí II.
Do đó, trong nửa đầu năm nay, Masan đã lần lượt đóng cửa các siêu thị VinMart kinh doanh không hiệu quả, giảm từ 133 siêu thị năm 2019 xuống còn 129.
Khi những mô hình kinh doanh cửa hàng lớn không còn tỏ ra hiệu quả, thì mô hình cửa hàng với diện tích nhỏ, mật độ dày, tối ưu được chi phí và nguồn nhân lực chính là lời giải cho bài toán phát trển của các ông lớn trong ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Trong năm 2019, thế giới di động đã chuyển đổi 500 cửa hàng Điện máy xanh thành Điện máy xanh mini để giảm chi phí, tăng doanh thu. Kế hoạch, trong năm nay Thế giới di động sẽ tiếp tục thu nhỏ những siêu thị này.
Đồng thời, với 800 cửa hàng thegioididong.com. MWG cho biết sẽ chuyển đổi một số cửa hàng đang hoạt động tốt thành Điện máy xanh mini.
Đến nay, Điện máy xanh đang có khoảng 300 cửa hàng lớn, diện tích từ 800 - 1.000 m2, doanh thu đạt 8-30 tỉ đồng/cửa hàng/tháng. Trong khi đó, mô hình Điện máy xanh mini đang có khoảng 760 cửa hàng, với doanh thu 4-8 tỉ đồng.
Mới đây, doanh nghiệp này cũng đã thử nghiệm thành công mô hình Điện máy xanh supermini tại An Giang.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế giới di động cho biết các cửa hàng Điện Máy Xanh cỡ lớn và mini hiện nay đã "hoàn thành sứ mệnh" của mình. Và sứ mệnh gia tăng thị phần tiếp theo của công ty Thế Giới Di Động được trao cho các cửa hàng Điện Máy Xanh supermini.
Dự kiến, với diện tích từ 120-150 m2 cùng đội ngũ nhân sự chỉ 4 người, Thế giới di động kì vọng mỗi địa phương sẽ có khoảng 15-20 cửa hàng cỡ nhỏ này và doanh thu mục tiêu từ 1-1,2 tỉ đồng/cửa hàng.
Trong 6 tháng đầu năm, song song với việc đóng cửa một số siêu thị VinMart qui mô lớn, Masan cũng đã mở mới thêm 44 siêu thị mini VinMart+. Trong Đại hội cổ đông diễn ra vào đầu năm nay, lãnh đạo Masan kì vọng, mô hình siêu thị mini của VinMart+ sẽ là tương lai của kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.
Mô hình này sẽ thiết lập nền tảng chiến lược để hiện thực hoá tầm nhìn của Tập đoàn về các điểm POL (Point of Life), liên kết xuyên sốt các dịch vụ online và offline.
Trong nửa cuối năm 2020, Masan cũng dự kiến sẽ tăng tốc việc tối ưu và ra mắt mô hình siêu thị mini mới.
Dư địa để mô hình siêu thị mini phát triển tại Việt Nam
Kể từ khi bắt đầu mở cửa cho ngành bán lẻ từ năm 2009, thị trường bán lẻ Việt Nam đã đón nhận những làn gió mới với mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi, qui mô nhỏ đến từ các ông lớn ngoại như Circle K, B's Mart, Shop&go,...
Rất nhanh chóng, những mô hình cửa hàng tạp hoá nhỏ này đã được đại đa số người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt, với nhịp sống nhanh như hiện nay, người tiêu dùng thường có xu hướng chọn các cửa hàng tiện lợi để mua sắm nhanh các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, thậm chí là ăn uống.
Siêu thị mịni nằm trong khu dân cư đã trở thành lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng khi đi mua hàng. (Ảnh: Thiên Trường).
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt Nam hiện nay chọn mua hàng tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Còn theo Nielsen, tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam hiện đã tăng 200% mỗi năm.
Những cửa hàng này đều có đặc điểm chung là diện tích nhỏ, cơ sở vật chất tiện nghi, dịch vụ khách hàng tốt, mở cửa 24/24, hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng,...
Ưu điểm lớn nhất của loại hình cửa hàng này so với những siêu thị, trung tâm thương mại đó là gần khách hàng. Bất kì khu dân cư nào tập trung nhiều khách hàng tiềm năng, cửa hàng tiện lợi sẽ vươn tới, bất kể nằm trong ngõ hẻm hay mặt bằng có diện tích không lớn.
Theo khảo sát do Q&ME thực hiện vào tháng 3 năm nay cho thấy, xu hướng bán lẻ hiện đại ở Việt Nam gọi tên các cửa hàng qui mô nhỏ.
Cụ thể, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2020 khi có tốc độ mở rộng tới 60% so với năm 2019. Từ 2.459 cửa hàng trong năm 2019 lên 5228 cửa hàng năm 2020.
Trong khi đó, so vói năm 2019 số lượng siêu thị tại Việt Nam trong năm 2020 đã giảm 20%, từ 336 siêu thị xuống còn 330.
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhu cầu mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện chỉ chiếm 20% - 25% chi tiêu tiêu dùng. Nếu so với các nước khác, tỉ lệ này vẫn còn rất thấp.
Đơn cử, tại Philippines tỉ lệ mua sắm hiện đại chiếm 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia 60% và Singapore là 90%. Các chuyên gia nhận định, dư địa để phát triển các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam trên thị trường bán lẻ vẫn còn rất lớn.
Nhận thấy chiếc áo dành cho việc phát triển chuỗi siêu thị mini còn khá rộng, Thế giới di động đã đặt ra mục tiêu từ nay đến cuối năm tăng nhanh số lượng cửa hàng supermini lên con số 300, dự kiến mang về doanh thu 500 tỉ đồng.
Trong năm 2021, số lượng tăng lên 1.000 cửa hàng và năm 2022 sẽ có 1.200 cửa hàng supermini trên toàn quốc với doanh thu 15.000 tỉ đồng, chiếm 60% thị phần bán lẻ điện máy toàn thị trường.
Như vậy, có thể thấy khi những mô hình kinh doanh kiểu cũ với những cửa hàng vật lí hoành tráng thu hút người mua đã đạt điến điểm bão hoà, khi mua sắm online trở thành thói quen của nhiều người, bắt buộc doanh nghiệp bán lẻ phải tiếp tục tiến lên để tìm nguồn cảm hứng tăng trưởng mới. Và mô hình siêu thị mini có chăng sẽ trở thành tương lai mới của ngành bán lẻ hiện đại?
"Chúng tôi hiện diện ở những khu dân cư mới, những nơi mà mô hình kinh doanh truyền thống chưa bao giờ có cơ hội. Chúng tôi đang có thêm những khách hàng mới và điều này có nghĩa là sẽ có thêm thị phần", Giám đốc Target, ông Cornell khẳng định.
Thiên Trường
Theo Kinh tế & Tiêu dùng