Ngành bia Việt đối mặt với nhiều khó khăn

Ngành bia Việt Nam từng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và tạo nhiều việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành bia đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do tác động của đại dịch COVID-19, bất ổn địa chính trị và áp lực cạnh tranh. 

Tiêu thụ bia Việt giảm sút mạnh, doanh nghiệp lao đao

Theo thống kê, sản lượng bia của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt khoảng 4 tỷ lít, giảm 7% so với năm 2022. Kết thúc 9 tháng năm 2023, doanh thu của hai "đại gia" ngành bia là Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 3/2023, doanh thu của “ông lớn” ngành bia Sabeco giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Sabeco ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một công ty bia khác, CTCP Habeco - Hải Phòng ghi nhận lãi sau thuế giảm 75% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do sản lượng tiêu thụ giảm, giá nguyên vật liệu tăng mạnh.

Ngành bia Việt đối mặt với nhiều khó khăn - Ảnh 1

Tương tự, các doanh nghiệp bia khác cũng đồng loạt giảm lãi, như Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi giảm đến 55% LNST sau 9 tháng, Bia Sài Gòn - Sông Lam giảm 45% xuống còn 22 tỷ; Bia Hà Nội - Hải Dương giảm 1/3 lợi nhuận chỉ còn 7 tỷ đồng...

Nói về ngành bia, trước năm 2019, Việt Nam từng lọt vào top 1 về tiêu thụ bia tại Đông Nam Á và thậm chí là Top 9 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Nghị định 100 về quy định nồng độ cồn tối đa trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ đã và đang là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Chí Luận - Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Hồ Nam, trước đây, tiệc cưới đặt 60 bàn thì uống ít nhất 50-60 thùng bia, hiện nay chỉ còn khoảng 10 thùng. Ông Luận cho rằng, nguyên nhân là do lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra quy định về nồng độ cồn, khiến doanh số kinh doanh giảm đáng kể. 

Mặt khác, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng dẫn đến tình trạng sụt giảm tiêu thụ bia. Theo Hiệp hội Nước giải khát Bia Rượu Việt Nam, giá nguyên vật liệu sản xuất bia dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn cũng là một nguyên nhân khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu thụ bia.

Thị trường bia Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong quý 4/2023, khi kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn đang “thắt lưng buộc bụng" và hoạt động quảng bá của DN trong ngành cũng đang bị hạn chế.

Doanh nghiệp bia Việt lo ngại làn sóng thuế tiêu thụ đặc biệt

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành bia, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu đang được Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét. Theo phương án dự kiến, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sẽ tăng lên 70%. 

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sẽ được điều chỉnh tăng lên 70%, áp dụng theo phương pháp hỗn hợp. Phương pháp tính thuế hỗn hợp là phương pháp kết hợp giữa tính thuế theo tỷ lệ % và tính thuế tuyệt đối. Theo phương pháp này, ngoài việc tính thuế theo tỷ lệ %, doanh nghiệp sản xuất bia còn phải nộp thêm một khoản thuế tuyệt đối cho mỗi đơn vị sản phẩm tiêu thụ.

Ngành bia Việt đối mặt với nhiều khó khăn - Ảnh 2

Các doanh nghiệp bia Việt cho rằng, phương pháp tính thuế hỗn hợp sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi các doanh nghiệp này thường có giá bán thấp hơn các doanh nghiệp lớn. Do đó, khi tính thuế tuyệt đối, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải chịu mức thuế cao hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, phương pháp tính thuế hỗn hợp cũng có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Các doanh nghiệp lớn có lợi thế về giá bán và thị phần sẽ có thể hưởng lợi từ phương pháp tính thuế này.

Trước những lo ngại của các doanh nghiệp bia Việt, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nên giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối như hiện nay. Đồng thời, chưa điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu cho đến năm 2025 để hỗ trợ doanh nghiệp và thời điểm xem xét tăng thuế có thể là năm 2026 với mức tăng khoảng 5 - 10%..

Bào Anh