PV: Nông nghiệp hữu cơ được coi là giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đối với ngành chè, nông nghiệp hữu cơ liệu có phải giải pháp đúng đắn và an toàn nhất, thưa ông?
Ông Hoàng Vĩnh Long: Cần khẳng định nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển bởi vì nông nghiệp hữu cơ là loại hình nông nghiệp bền vững nhất. Tuy nhiên, ngành chè thực hiện sản xuất hữu cơ đang gặp nhiều khó khăn do diện tích không tập trung theo vùng, không thể tiến hành thực hành sản xuất hữu cơ trên diện rộng. Bên cạnh đó, sản phẩm hữu cơ chưa đem lại giá trị vượt trội, chưa bù đắp được chi phí cho người sản xuất.
Sri Lanka từng là vùng chuyên sản xuất chè hữu cơ nhưng điều này lại gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân nơi đây. Quyết định chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã làm đình trệ việc sản xuất nhiều loại cây nông nghiệp, trong đó có cây chè, điều này càng làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của Sri Lanka.
Chè chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu và 53,3% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Sri Lanka. Chè đã đóng góp hàng năm khoảng 1,3 tỷ đô la cho xuất khẩu của đất nước này trước khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Thực tế cho thấy rằng, khi sản xuất chè hữu cơ, năng suất chè bị sụt giảm từ 30 - 50%, dẫn đến sản lượng chè rất thấp. Bởi vậy kéo theo đời sống của người dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường chè hữu cơ chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng thị trường chè và Sri Lanka không bán được chè hữu cơ với giá cao hơn chè không hữu cơ vì giá thành của chè canh tác theo phương pháp thông thường vô cùng rẻ. Chưa kể đến, canh tác chè hữu cơ phải chi nhiều nhân công hơn cho việc chăm sóc cây chè.
Chè hữu cơ rất tốt nhưng thực hiện hữu cơ thì năng suất ban đầu thấp. Bởi, sản xuất hữu cơ không được bón tất cả các loại phân hoá học mà chỉ được sử dụng phân hữu cơ. Các loại phân hữu cơ có đầy đủ các chất vi lượng nhưng nghèo đạm mà đối với cây chè nếu thiếu đạm thì cây sẽ cằn dẫn đến năng suất thấp. Cây chè cần phải bón kết hợp giữa các loại phân có lượng đạm, lân, cali một cách hợp lí, không được lạm dụng quá mức... Sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất tốt nhưng để đạt được tất cả ngành nông nghiệp hữu cơ là cực kì khó.
Hiện tại, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang thực hiện sản xuất chè an toàn là chính còn hữu cơ cũng áp dụng nhưng không nhiều. Nông nghiệp hữu cơ rất tốt nhưng sản xuất sản phẩm xanh, kinh tế tuần hoàn mới là điều người ta hướng đến.
PV: Nông nghiệp xanh, cụ thể là sản phẩm chè sản xuất xanh, an toàn liệu có phải là khái niệm mới mẻ với nông dân, doanh nghiệp?
Ông Hoàng Vĩnh Long: Sản xuất chè sạch, chè an toàn là xu hướng mà thế giới và Việt Nam đang hướng đến. Sản phẩm xanh và sạch là sản phẩm có lợi cho môi trường, hạn chế phát thải cacbon. Kinh tế tuần hoàn là các phụ phẩm, phế liệu được sử dụng quay trở lại cho cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường. Đây là một trong những lí do khiến người tiêu dùng dần chuyển sang sử dụng những sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch.
Xu hướng sản xuất nông nghiệp thân thiện với mội trường, nông nghiệp xanh tuần hoàn đã có từ lâu và được nhiều nước áp dụng. Đây đang là xu thế chung của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngành chè đang dần chuyển đổi theo xu hướng đấy nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và hướng tới một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
PV: Người tiêu dùng cho rằng “Tiêu chuẩn chè sạch còn khá mơ hồ và chưa được kiểm duyệt gắt gao”, ông đánh giá như thế nào về ý kiến trên. Và cần làm gì để đánh tan nghi ngờ của người tiêu dùng?
Ông Hoàng Vĩnh Long: Tiêu chuẩn chè sạch là những yêu cầu về quy trình sản xuất và chất lượng của chè để đảm bảo rằng sản phẩm không chứa hoá chất độc hại, được sản xuất theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Việc tuân thủ sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường, tăng cường sức khỏe người tiêu dùng và tạo ra một sản phẩm chất lượng cao.
Người tiêu dùng cho rằng tiêu chuẩn chè sạch vẫn chưa rõ ràng có thể xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong đó, tính minh bạch về ghi nhãn và thông tin chính xác về sản phẩm đóng một vai trò quan trọng. Trên thực tế, một số doanh nghiệp lợi dụng ghi nhãn chè "hữu cơ, sạch" chỉ với mục đích kinh doanh và thu hút người tiêu dùng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến những sản phẩm sản xuất có chứng nhận.
Việc cung cấp cho người tiêu dùng thông tin rõ ràng về các tiêu chí và chứng nhận liên quan đến chè sạch có thể giúp họ đưa ra những lựa chọn sáng suốt và tin tưởng vào sản phẩm họ chi tiền mua.
Để người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm, đầu tiên, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt chất lượng từ quy trình sản xuất cho đến sản phẩm trà cuối cùng trước khi đến tay người tiêu dùng. Tiếp đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ: Cung cấp thông tin chi tiết, đầy đủ và chính xác các chứng chỉ chất lượng và kiểm định. Bên cạnh đó, cần quảng cáo chính xác trung thực, không đưa thông tin sai lệch.
Đối với những sản phẩm ghi nhãn không trung thực cần có sự kiểm tra kiểm soát của các cơ quan quản lý để bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng.
Không những thế, các đơn vị cũng cần tạo mối quan khăng khít với khách hàng: lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng các băn khoăn của họ về sản phẩm. Cuối cùng, luôn nỗ lực cải thiện quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Lắng nghe phản hồi từ khách hàng để nâng cao sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
PV: Hiện nay cơ hội thị trường rộng mở cho sản xuất chè sạch, vậy cần phải làm gì để thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm chè sạch, chè an toàn?
Ông Hoàng Vĩnh Long: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có Nghị định 1141-06-2018 tiêu chuẩn chè hữu cơ. Hiện nay ngành chè cũng đang áp dụng sản xuất theo hướng sản xuất chè an toàn theo các chứng nhận như: VietGap, GlobalGAP, RA, hữu cơ… Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án phát triển 6 cây công nghiệp chủ lực, trong đó có cây chè. Mục tiêu của đề án cây chè tiếp tục giữ vững ổn địch diện tích từ 125 - 130 nghìn ha và tập trung ở 3 vùng chính. Thứ nhất là Trung du và miền núi phía Bắc chiếm khoảng 100 - 105 nghìn ha; vùng thứ 2 là Bắc Trung bộ bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh với diện tích khoảng 10 - 12 nghìn ha; vùng thứ 3 là Lâm Đồng - Tây Nguyên chủ yếu là Lâm Đồng khoảng 10 nghìn ha. Đề án yêu cầu nghiên cứu giống, lai tạo các giống chè có năng suất chất lượng tốt để tập trung tổ chức sản xuẩt các sản phẩm chè chất lượng cao ví dụ như chè ô long, chè xanh chất lượng cao, chè matcha và các sản phẩm chè khác để phục vụ cho thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng hiệu quả quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) vào sản xuất; trong đó, cần tăng cường cường sức khoẻ cho đất bằng cách thâm canh đầu tư bổ sung các chất dinh dưỡng một cách hợp lý, giảm bón các loại phân bón vô cơ đạm, lân, cali. Tăng cường bón các loại phân hữu cơ tăng độ mùn và tăng các chất vi lượng cho đất để làm cho chất lượng đất tốt hơn từ đó tăng sức đề kháng tạo cho cây phát triền một cách tốt nhất.
Xây dựng các vùng chuyên canh chè theo hướng sản xuất chè an toàn trên diện rộng kết hợp với liên kết sản xuất quản lý tốt tiêu chuẩn chất lượng trong quá trình chế biến sản xuất sản phẩm để tạo ra sản phẩm an toàn. Tăng cường nghiên cứu thay đổi công nghệ chế biến để tạo ra các sản phẩm mới chất lượng cao từ giống chè mới.
Tập trung nghiên cứu bảo tồn các gene và bảo vệ các vùng chè Shan đặc sản, chè Shan rừng hỗ trợ tổ chức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao. Xây dựng thương hiệu chè Shan rừng tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và một số vùng có chè Shan rừng khác. Kết hợp thực hiện nghị định về sản xuất chè hữu cơ trong nông nghiệp hữu cơ của bộ nông nghiệp đưa các diện tích được chứng nhận an toàn lên trên 30%, ngoài ra tập trung các vùng chuyên canh liên kết sản xuất các sản phẩm chè an toàn phục vụ trong nước và quốc tế.
Đa giá trị về chè, để chè không chỉ là sản phẩm chè mà nó còn là sản phẩm du lịch sinh thái. Tạo thành các vùng liên kết giữa nông nghiệp - công nghiệp để tổ chức trải nghiệm thăm quan vùng chè, tạo ra giá trị tăng thêm giá trị cho người sản xuất chè.
Các bộ ban ngành, cơ quan chức năng trong đó có Hiệp hội Chè Việt Nam sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từng bước xây dựng được nền sản xuất chè an toàn bền vững và theo hướng sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn để đưa ngành chè phát triển một cách bền vững.
PV: Hiệp hội Chè Việt Nam đã có những giải pháp gì để các hộ sản xuất và đơn vị kinh doanh chè trên cả nước hiểu rõ thông điệp “trà sạch an toàn phát triển bền vững”?
Ông Hoàng Vĩnh Long: Hiệp hội Chè Việt Nam từ trước đến nay luôn luôn khuyến cáo, tuyên truyền tới các địa phương, các doanh nghiệp và người tiêu dùng về trà sạch, sản xuất trà an toàn qua rất nhiều kênh trong đó có truyền hình, mạng xã hội, youtube, các kênh thông tin của Hiệp hội và đặc biệt là trên Tạp chí Kinh tế và Đồ uống.
Bên cạnh đó, trong những năm qua Hiệp hội cùng với các thành viên đã tổ chức các sự kiện trong nước và quốc tế để không ngừng tuyên truyền và quảng bá, đồng thời cũng có những tham vấn với Chính phủ đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trồng và sản xuất chè để từng bước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất theo hướng sản xuất chè bền vững và có chứng nhận rõ ràng.
Cung cấp các chương trình đào tạo, hội thảo về sản xuất chè an toàn và quản lý thương hiệu cho các hộ sản xuất và đơn vị kinh doanh chè. Hỗ trợ họ hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất an toàn, các tiêu chuẩn chất lượng, cách xây dựng và quảng bá thương hiệu.
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm chè Việt Nam là sản phẩm chất lượng cao, sạch và an toàn. Sử dụng các phương tiện quảng cáo, triển lãm, hội chợ và sự kiện liên quan để cung cấp thông tin và quảng bá thương hiệu chè Việt Nam trên thị trường quốc tế. Khi thị trường hiểu rõ giá trị của chè an toàn, và các đơn vị đã xây dựng được thương hiệu và uy tín, giá trị của sản phẩm sẽ tăng lên. Đây là một chiến lược lâu dài và cần sự kiên nhẫn.
Hiện nay, Hiệp hội cùng cơ quan chức năng đồng hành cùng người dân tập trung xây dựng mã số vùng trồng, xây dựng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất tạo ra các vùng sản xuất liên kết an toàn. Từ đó xây dựng nền sản xuất an toàn bền vững và chất lượng cao có lợi cho sức khoẻ, đồng thời nâng cao giá trị cho sản phẩm chè tạo ra thu nhập chính đáng cho người nông dân và doanh nghiệp.
Chúng ta có một khó khăn đó là giữa nông dân và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung, sự liên kết này còn lỏng lẻo. Nếu sản xuất chè an toàn, người nông dân sẽ có thiệt thòi vì giá bán chưa tăng cao ngay lập tức. Nhưng khi các doanh nghiệp liên kết với nông dân, xây dựng được thương hiệu từ đó nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn tăng cao, giá bán sẽ tăng lên và thị trường tiếp tục phát triển. Việc tạo ra một môi trường hợp tác, tôn trọng định giá công bằng và quan tâm đến phúc lợi của người nông dân sẽ khuyến khích họ tiếp tục sản xuất hàng hóa chất lượng cao và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chè Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp chỉ muốn mua đứt bán đoạn, không có trách nhiệm với nông dân, đây là một tầm nhìn ngắn hạn tạo nên rào cản để xây dựng chứng nhận an toàn cho chè trong tương lai.
Có một số chính sách hỗ trợ và ưu tiên cho sản xuất chè an toàn đang được một số địa phương thực hiện rất tốt. Ví dụ, Hà Giang và Thái Nguyên đã giúp các doanh nghiệp trong ngành chè xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường hiệu quả. Các địa phương này thường xuyên tổ chức các hội chợ triển lãm và hội thảo, tạo cơ hội để các Doanh nghiệp và KTX tiếp xúc với khách hàng và quảng bá sản phẩm, hướng dẫn bán hàng online.
Các chính sách này đã giúp hợp tác xã và người dân có những kiến thức và kỹ năng để sản xuất cây chè an toàn và quảng bá sản phẩm ra thị trường. Điều này giúp họ thu được giá trị cao hơn và đạt lợi nhuận tốt hơn. Từ đó người nông dân sẽ hiểu được giá trị của chè sản xuất an toàn sẽ mang đến giá trị bền vững.
Xin cảm ơn Ông về cuộc chia sẻ!