Với quy mô dân số đạt trên 95 triệu dân năm 2020 và trên 100 triệu dân vào năm 2030, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, cùng với sự gia tăng của nhóm dân số trung lưu hứa hẹn mức chi tiêu cho các mặt hàng may mặc tăng trưởng nhanh hơn.
Năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Mặc dù những tháng đầu năm đối mặt nhiều thách thức, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng thấp nhưng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Cụ thể, với kịch bản sức mua thấp, xuất khẩu dệt may năm 2023 được kỳ vọng đạt 45 tỷ USD; ngược lại, nếu thị trường phục hồi tốt trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu dệt may có thể đạt 47 tỷ USD.
Công nghiệp 4.0 cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp dệt may ứng dụng các công nghệ mới giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Công nghệ phổ biến nhất của công nghiệp 4.0 sẽ được áp dụng trong các ngành công nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng là công nghệ số hoá kết hợp với tự động hoá và internet vạn vật nhằm tăng cường tính minh bạch và kiểm soát chất lượng, cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất và năng suất, chất lượng.
Cũng nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời kỳ công nghiệp 4.0, sự gắn kết với thị trường, khách hàng tiềm năng cũng sẽ được cải thiện. Các giải pháp công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, tiếp cận nhanh hơn với thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng phải thích ứng với xu thế tiêu dùng mới của xã hội trong ngành dệt may, đó là xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững, sản phẩm may mặc chất lượng cao tích hợp nhiều tính năng ở các thị trường phát triển. Cùng với xu thế này là các nguyên vật liệu mới (xơ sợi hữu cơ, vải đa tính năng…) và các công nghệ mới để sản xuất ra các loại nguyên vật liệu này.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân -Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối thời trang Faslink cho biết, trong giai đoạn giãn cách xã hội, doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ thiết kế Style 3D, từ việc xây dựng một kho vải kỹ thuật số cho phép khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể truy xuất thông tin, tính năng kỹ thuật và họa tiết của từng mẫu vải.
“Chúng tôi làm việc với khách hàng trên ứng dụng Style 3D, giới thiệu cho họ mẫu vải, thực hiện ngay tức thì các yêu cầu thiết kế trực tuyến theo ý tưởng của khách hàng, thay đổi màu sắc, họa tiết mẫu vải, thêm bớt phụ kiện trên sản phẩm mẫu không khác gì hai bên đang làm việc trực tiếp mặt đối mặt. Nhưng khác biệt ở chỗ, từ một mẫu vải đến khi ra thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng chỉ trong một vài ngày so với trước đây phải cần vài tháng” - bà Trần Hoàng Phú Xuân chia sẻ.
bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Vitas nhận định, trong giai đoạn tới, yếu tố nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế của dệt may Việt Nam bởi như nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác, chi phí nhân công tăng nhanh đang gây áp lực cho nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, doanh ngiệp nội địa cũng không tránh khỏi thực tế này.
Trong khi đó, lâu nay, dệt may chủ yếu làm hàng gia công cho các nhãn hàng, giá trị lợi nhuận không cao. Định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, từ gia công tiến lên FOB, ODM. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Quá trình chuyển đổi này đang bắt đầu bằng quyết tâm mạnh mẽ thực hiện sản xuất bền vững và chuyển đổi số, đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh.