Hiện, cả nước có 75 trung tâm logistics tập trung tại 16/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tại vùng Đồng bằng sông Hồng có 26 trung tâm, chiếm gần 35% tổng số trung tâm logistics trên toàn quốc. Việc phát triển kết cấu hạ tầng gắn với kết cấu hạ tầng logistics trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm đã tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa các vùng miền, loại hình giao thông, góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải.
Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng đã được tập trung đầu tư, xây dựng tương đối đồng bộ, hiện đại, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng; trong đó, phải kể đến sự đóng góp của hệ thống hạ tầng logistics của vùng.
Đáng chú ý, tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long có vai trò là "mắt xích" quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khiến kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến được đồng bộ, giúp giảm thời gian nhưng đồng thời tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển. Từ đó, tạo đòn bẩy cho sự phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam trong những năm tới.
Một số địa phương khác trong vùng cũng có mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ. Chẳng hạn, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã và đang hình thành các tuyến giao thông kết nối vùng như: Tuyến đường Quốc lộ 10 nối Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; tuyến đường Thái Bình - Hà Nam; tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội với Quốc lộ 38, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cầu La Tiến…
Năm 2023, dự báo hoạt động sản xuất thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh. Đây được đánh giá là thuận lợi lớn đối với ngành logistics vì khối lượng hàng hóa sản xuất, luân chuyển trong nước và giao dịch với thương mại quốc tế gia tăng, sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành logistics cũng đang đối mặt với nhiều cơn gió ngược như: kinh tế thế giới suy thoái và lạm phát, nhu cầu tiêu dùng thế giới sẽ sụt giảm, dẫn đến sự sụt giảm về các hoạt động thương mại, kéo theo đó là hoạt động logistics...các yếu tố bất ổn đe dọa tính bền vững của chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu.
Tiến Hoàng