Ngành ngân hàng bị ảnh hưởng như thế nào từ bất động sản

Năm 2022 ngành ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ tăng 33,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá cổ phiếu ngành ngân hàng có phần phụ thuộc vào diễn biến chất lượng tài sản của ngành nhiều hơn là diễn biến tăng trưởng lợi nhuận. Do cho vay bất động sản thường là các khoản vay trung và dài hạn, các ngân hàng sẽ không để dư nợ cho vay bất động sản tăng lên quá mạnh trong danh mục tín dụng.

Ngành ngân hàng bị ảnh hưởng như thế nào từ bất động sản - Ảnh 1

Theo báo cáo của VNDirect, ngành ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong 2022 (+33,7% so với cùng kỳ) – tốt hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường (+20% so với cùng kỳ) và so với kết quả năm 2021 (+30% so với cùng kỳ) – dựa trên tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 20,1% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (+14,2% so với cùng kỳ), NIM mở rộng (+20 điểm cơ bản và đạt 3,8%), thu nhập từ phí tăng 14,6% so với cùng kỳ...

Tuy nhiên, ngân hàng là ngành phụ thuộc nhiều vào những biến động kinh tế vĩ mô, và khi các chỉ báo vĩ mô trở nên lạc quan hơn cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Khó khăn trong ngành bất động sản và thị trường TPDN hiện nay vẫn chưa được giải quyết và điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu...

Mặc dù không có "quy định/văn bản chính thức" nào liên quan đến việc thắt chặt dòng tín dụng vào thị trường bất động sản, nhưng cho vay lĩnh vực này đã chậm lại với mục đích kìm hãm đà tăng nóng của thị trường này kể từ năm 2021. Theo Thông tư 08/2020, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 trở đi; và giảm còn 30% từ ngày 1/10/2023.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay đã tăng rất mạnh trước bối cảnh vĩ mô khó khăn, đặc biệt trong nửa cuối 2022. Cùng với giá nhà ở ở mức cao, nhu cầu mua nhà đã sụt giảm đáng kể và dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nguồn cung căn hộ mới ở TP. HCM và Hà Nội trong quý 4/2022 lần lượt sụt giảm 81%/38% so với cùng kỳ, dẫn đến lượng tiêu thụ giảm mạnh 80%/63% so với cùng kỳ (CBRE).

Theo VNDirect nhận định, bên cạnh vấn đề của thị trường bất động sản, còn một vấn đề khác liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao và việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.

Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn hạn chế trong khi thị trường TPDN gần như đã đóng băng. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ lại là một yếu tố tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.