Ngày 14/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cùng các lãnh đạo TP. Hà Nội, ngân hàng, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) đã có cuộc trao đổi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch bệnh covid-19.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến một phần không nhỏ tới kinh tế, xã hội, và đời sống của người dân.
Theo đó, dưới sự lãnh đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ, giúp đỡ cho người dân, đặc biệt là doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 để các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, DN cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào phòng, chống dịch…
Ngành ngân hàng đã miễn, giảm phí thanh toán nhằm hỗ trợ người dân, DN trên quy mô lớn, với số tiền khoảng 1.004 tỷ đồng. Cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng từ NHNN để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 nghìn khách hàng. Lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5%/năm so với thời điểm trước dịch COVID-19. Riêng NHCSXH cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103 nghìn khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 517 nghìn khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng.
Ông Hồ Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng đã miễn giảm lãi hơn 850 tỷ đồng đối với 610.000 tỷ đồng dư nợ của tổng số 156.000 khách hàng, dự kiến tiếp tục miễn giảm cho khách hàng gần 1.500 tỷ đồng.
Đối với địa bàn thủ đô, Ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc NHNN TP. Hà Nội cho biết, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 3.500 khách hàng với dư nợ gần 24 nghìn tỷ đồng.
“Miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 18 nghìn khách hàng với dư nợ trên 212 nghìn tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 280 nghìn tỷ đồng cho hơn 17 nghìn khách hàng. NHNN TP. Hà Nội đã thành lập bộ phận thường trực, thiết lập 3 đường dây nóng để trực tiếp tiếp nhận thông tin, ý kiến, kiến nghị, kịp thời nhưng chưa nhận được phản nào về việc TCTD gây khó khăn trong hỗ trợ”. Ông Hùng chia sẻ.
Cần hỗ trợ đúng đối tượng
Tại hội nghị, với sự khuyến khích trao đổi thẳng thắn của lãnh đạo NHNN và HĐND TP Hà Nội, đại diện các Hiệp hội, DN và tổ chức tín dụng (TCTD) đã cùng đối thoại, tìm ra những nút thắt gây trở ngại cho dòng vốn hỗ trợ đi nhanh đến đúng địa chỉ.
Trước những thách thức, khó khăn trong đại dịch Covid – 19. Nhiều doanh nghiệp đã có hướng đi đúng để giảm thiểu thua lỗ kinh doanh. Song bên cạnh, có những doanh nghiệp không bị thiệt hại do dịch bệnh mà khó khăn từ trước, nguyên nhân quản trị kinh doanh không tốt, thua lỗ nhưng lại muốn hỗ trợ vay rẻ.
Về điều này, ông Nguyễn Quốc Hùng Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chia sẻ, đối với doanh nghiệp nếu thiếu tài sản để vay vốn thì cần có dòng tiền tốt.
Tuy nhiên, “Làm ăn kiểu như 1 chủ lập ra 10 DN rồi đi vay thì khó có thể cho vay được, DN nhỏ khó khăn thì chia sẻ nhưng vẫn phải bảo đảm có tiềm năng thu hồi được nợ, quản lý được dòng tiền, thực tế thế nào ngân hàng nắm được hết”. Ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Giang Yên, Chủ tịch Công ty CP Nông sản Agrexim nêu ý kiến: Tại Thông tư 01 quy định về điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trong đó có một yêu cầu là phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi sau ngày 23/1 đến ngày liền kề sau tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19, nhưng một công văn hướng dẫn số 3339 của NHNN lại có đoạn nói “các khoản nợ vay phát sinh sau 23/1 không nằm đối tượng cơ cấu.
“Là DN kinh doanh thương mại nông sản bán lẻ xăng dầu, vòng quay vốn chỉ là 3-4 tháng, Thông tư 01 ra đời ngày 13/3, nhưng thực tế trong khoảng từ 23/1 đến 13/3 ngân hàng vẫn cấp tín dụng bình thường nếu khoản đó không được cơ cấu thì DN sẽ gặp khó khăn. Đại diện DN này đề nghị NHNN và TCTD xem xét cho phép cơ cấu lại phần phát sinh sau ngày 23/1 đến thời điểm Thông tư 01 có hiệu lực”. Ông Yên chia sẻ.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phân tích: Gói 300.000 tỷ đồng thậm chí có thể lên đến 500.000 tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng không phải là vốn từ ngân sách nhà nước mà là nguồn tiền ngân hàng huy động tiết kiệm từ dân cư để phục vụ nhu cầu của nền kinh tế.
Để kịp thời hỗ trợ, NHNN đã liên tục giảm 2 đợt lãi suất điều hành trong 3 tháng. Động thái này được các chuyên gia đánh giá cao và coi đây là động thái phù hợp, tạo động lực, mang tính chất định hướng tạo điều kiện cho kinh tế dần hồi phục. Điều này chắc chắn làm giảm bớt gánh nặng tài chính, hỗ trợ DN quay lại hoạt động sản xuất trở lại bình thường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú khẳng định có những cơ chế xây dựng ngay từ những ngày đầu khi có dịch COVID-19, do đó, NHNN sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp sau quá trình vận hành trong thực tiễn, có thể tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Huy Đức