Trong 3 tháng đầu năm 2022, sản xuất nông nghiệp cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao và dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với phương châm: "Tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật", ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2022, toàn ngành tăng trưởng 2,45% so với cùng kỳ 2021. Cụ thể, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý đầu năm ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, cao gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 12,8%; lâm sản chính đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,4%; thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7%; chăn nuôi ước đạt 75,6 triệu USD, giảm 22,4%; xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt khoảng 603 triệu USD, tăng 72,5% (nhất là phân bón, giá trị xuất khẩu khoảng 291 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021).
Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 40,3% thị phần, châu Mỹ (29,5% thị phần), châu Âu (13,1% thị phần), châu Đại Dương (1,7% thị phần) và châu Phi (1,3% thị phần). Thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ đạt gần 3,5 tỷ USD (chiếm 27,1% thị phần). Đứng thứ hai thị trường Trung Quốc với trên 2,1 tỷ USD (chiếm 16,6% thị phần). Ở vị trí thứ ba là thị trường Nhật Bản, với giá trị xuất khẩu đạt gần 872 triệu USD (chiếm 6,8%), trong đó nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,3% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Thị trường Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ tư, với giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 562 triệu USD (chiếm 4,4% thị phần) và nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 45,2% thị phần). Từ chiều ngược lại, quý 1/2022, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước gần 9,8 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với tình hình sản xuất trong nước, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 3/2022, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 785 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 52,1% diện tích gieo cấy và bằng 114,8% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do năng suất giảm bình quân 0,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước (ước tính chỉ đạt 71,8 tạ/ha), nên sản lượng lúa giảm 165,2 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số cây công nghiệp lâu năm đã cho thu hoạch, trong đó: Sản lượng chè búp đạt 171,3 nghìn tấn (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước); hồ tiêu đạt 166,1 nghìn tấn (tăng 3,8%); cao su đạt 127 nghìn tấn (tăng 2,4%); điều đạt 210,7 nghìn tấn (giảm 16,6%).
Hầu hết sản lượng cây ăn quả tăng so với cùng kỳ 2021: chuối đạt 654,3 nghìn tấn (tăng 3,3%); cam đạt 263 nghìn tấn (tăng 2,1%); dứa đạt 211,2 nghìn tấn (tăng 3,4%); xoài đạt 180,9 nghìn tấn (tăng 2,4%); bưởi đạt 158,2 nghìn tấn (tăng 3,2%); riêng sản lượng thanh long đạt 349,7 nghìn tấn, giảm 3,2% do gặp khó khăn trong xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, Bộ đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhanh về giá cả, sản lượng. Không chỉ vậy, Bộ còn liên tục cập nhật tình hình sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản có thể gặp khó khăn trong tiêu thụ trước tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, Bộ nhanh chóng đưa ra các giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa nông sản tại cửa khẩu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp là 2,45% nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (tăng 3,1%). Diện tích, năng suất lúa vụ đông xuân giảm 0,5% so với vụ trước; việc xuất khẩu các sản phẩm vào vụ thu hoạch như thanh long, mít, xoài... gặp nhiều khó khăn... Hơn nữa, giá nguyên liệu, vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng giá sản phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn rơi vào tình trạng bấp bênh.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng quý II-2022 là 2,9-3% với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 12-13 tỷ USD, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Dự kiến trong quý 2/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tuần lễ Nông sản Việt Nam tại EXPO 2022 Dubai; “Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp”, đồng thời tiến hành ký kết Bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Garbon về sản xuất cà phê tại Garbon; với Tổ chức Pháp ngữ về tăng cường hợp tác nông nghiệp Nam - Nam và ba bên. Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng Đề án kết nối Việt kiều; xây dựng các đề án về thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật, EU giai đoạn 2021-2030 và Đề án “Tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư trong ngành nông nghiệp đến năm 2030”.
Đối với vấn đề kỹ thuật giám sát chất lượng nông sản, trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tập trung hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Bảo An