Ngành nông nghiệp hướng tới xuất khẩu 54 tỷ USD năm 2023

Tiếp nối thành công khi xuất khẩu 53,2 tỷ USD năm 2022, năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành đạt 3%, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54-55 tỷ USD.

Năm 2022 sắp qua là 1 năm nông nghiệp Việt Nam đã phải nỗ lực và linh hoạt để vượt khó. Điển hình như với ngành hàng cá tra, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, chi phí đầu vào tăng cao, nhưng ngành này vẫn tận dụng mọi cơ hội và đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay 2,4 tỷ USD, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành thủy sản.

Ngành nông nghiệp đã về đích với kết quả hơn mong đợi, xuất khẩu đạt 53,22 tỷ USD, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao 3 tỷ USD, xuất siêu của ngành nông nghiệp 8,5 tỷ USD chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022...

Thủy sản Việt Nam cũng đã từ con số 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của năm 2000, đến nay đã chạm mốc 11 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay đạt tổng cộng hơn 53 tỷ USD. Đây rõ ràng là một con số, một kết quả nói lên nhiều điều.

Ngành nông nghiệp hướng tới xuất khẩu 54 tỷ USD năm 2023 - Ảnh 1

Năm 2022, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su; rau quả, hạt điều. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm ngoái. 

"Khi lạm phát các nước lên cao, đây vừa là thách thức, vừa là thời cơ. Hai là giá đầu vào của vật tư tăng cao. Do vậy chúng ta đặt mục tiêu 10 tỷ với mức khiêm tốn. Còn chúng ta sẽ năng động, linh hoạt, sáng tạo để quyết định giải pháp tăng tốc trong thời điểm thích hợp", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định.

Năm 2022 đã ghi dấu những nỗ lực đàm phán và hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu hàng loạt nông sản như: xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến, chanh leo, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc. Quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Năm 2023, dự báo tình hình với ngành nông nghiệp sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn năm 2022. Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu và tạo đà cho nhiều năm tới, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng giảm tỷ trọng sản xuất nhỏ, nỗ lực để thẻ vàng IUU mà EU áp cho thủy sản nhiều năm qua, cải thiện chất lượng nông lâm thủy sản để thích ứng với tiêu chuẩn cao tại nhiều thị trường lớn. Thực tế trong năm 2022, vẫn còn tình trạng một số các lô hàng gạo, mỳ ăn liền, rau quả… của Việt Nam xuất đi EU bị kiểm tra gắt gao và không hiếm lô hàng đã bị cảnh báo.

Trên cơ sở thành công của năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về nông sản và mở cửa thêm các thị trường trong năm 2023. Mục tiêu lâu dài và trước mắt mà ngành nông nghiệp hướng tới là phát triển sản xuất nông nghiệp thành một nền kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở cân đối các nguồn lực và trao đổi với các bộ, ngành, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD. 

Để đạt được kết quả này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường. Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất phải làm sao giữ được chữ tín khi thị trường 2023 được dự báo có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm.