Ngành nông nghiệp xuất siêu gần 5,1 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước gần 23,2 tỉ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; có 9 nhóm hàng đạt trị giá trên 1 tỉ USD.

Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản ước trên 5,1 tỷ USD, tăng 18,1% so với tháng 5/2021, tăng 3,8% so với tháng 4/2022; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính trên 2,0 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,7 tỷ USD, thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 32,4 triệu USD… 

Thị trường XK lớn nhất là Mỹ đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 28,0% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5%.

Tính chung, 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 41,3 tỉ USD, tăng 8,6% so với 5 tháng đầu năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 23,2 tỉ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 18,1 tỉ USD, xuất siêu gần 5,1 tỉ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ngành nông nghiệp xuất siêu gần 5,1 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước - Ảnh 1

5 tháng đầu năm nay, đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất).

Một số mặt hàng đạt giá trị XK cao hơn so với cùng kỳ, như: Giá trị XK cà phê đạt gần 2,0 tỷ USD (tăng 54,0%); cao su đạt trên 1,0 tỷ USD (tăng 12,0%); hồ tiêu khoảng 476 triệu USD (tăng 25,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 636 triệu USD (tăng 20,3%), cá tra đạt khoảng 1,2 tỷ USD (tăng 91,2%), tôm đạt trên 1,9 tỷ USD (tăng 42,7%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỷ USD (tăng 6,9%); mây, tre, cói thảm đạt 426 triệu USD (tăng 19,1%).

Thị trường XK lớn nhất là Mỹ đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 28,0% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5% tỷ trọng kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, với kim ngạch trên 4,1 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm rau quả chiếm 20,8%.  Xếp thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,6 tỉ USD (chiếm 7%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ nhiều nhất (chiếm 43,8%). Xếp thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,1 tỉ USD (chiếm 4,8%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm 44,2%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch NK các mặt hàng nông lâm thủy sản ước gần 18,1 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 11,3 tỷ USD, giảm 1,5%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,0 tỷ USD, tăng 17,3%; nhóm lâm sản chính trên 1,3 tỷ USD, tăng 0,1%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 1,3 tỷ USD, giảm13,7%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 3,2 tỷ USD, tăng 5,6%.

Campuchia tiếp tục trở thành thị trường NK nông sản lớn nhất của Việt Nam đạt trên 1,9 tỷ USD, chiếm 10,7% thị phần. Tiếp theo là Brazil với giá trị NK đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 8,6% thị phần; Trung Quốc đạt khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm 8,3% thị phần.

Theo Bộ NNPTNT, để đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc. Thống nhất phương án giám sát xử lý vải xuất khẩu của niên vụ 2022 trong điều kiện dịch COVID-19. Bộ NNPTNT đang chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc. Đồng thời, chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Ba Lan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Nhật Bản, Hungary.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phản hồi các góp ý đối với dự thảo biện pháp SPS mới của Việt Nam đã thông báo với WTO; tháo gỡ vướng mắc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc phù hợp quy định Lệnh 248, 249. Tổ chức các hội nghị, họp phổ biến quy định liên quan kiểm dịch, nội dung SPS…

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, thúc đẩy XK chanh leo và bưởi sang Úc; chôm chôm, vú sữa, na, bưởi, sắn lát, đường, sữa sang Thái Lan; chanh, bưởi sang New Zealand; yến sào, sản phẩm lông vũ, bột cá sang Trung Quốc...

Bảo An