Thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam cũng ngày càng đa dạng và tăng trưởng mạnh mẽ. Trong số 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu, hầu hết đều ghi nhận mức tăng từ 15% đến 96%. Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực, chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với giá trị đạt 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Hàn Quốc và Mỹ lần lượt đứng thứ hai và ba, với kim ngạch tăng đáng kể 55% và 33%.
Đáng chú ý, Thái Lan, một đối thủ cạnh tranh truyền thống của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, cũng đã tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 97 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Sầu riêng, chuối và thanh long là những mặt hàng chủ lực đóng góp vào thành công này.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, triển vọng xuất khẩu rau quả Việt Nam tiếp tục tươi sáng nhờ nguồn cung dồi dào trong nước và nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường truyền thống và tiềm năng. Tại Trung Quốc, thị phần rau quả Việt Nam đã tăng mạnh từ 7,9% năm 2022 lên 13,99% năm 2023. Hai nước cũng đang hoàn tất đàm phán để sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, đồng thời mở cửa cho các sản phẩm khác như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh.
Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng thị phần tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, đặc biệt là đối với trái cây. Nhu cầu đối với sầu riêng chế biến đang tăng nhanh do giá sầu riêng tươi cao, trong khi sản phẩm chế biến có giá cả phải chăng và phù hợp với giới trẻ.
Ngoài Trung Quốc, Thái Lan cũng nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng. Mặc dù là một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, Thái Lan đã tăng cường nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam do nắng nóng bất thường khiến sản lượng sầu riêng trong nước giảm và chất lượng không đồng đều.
Bên cạnh thị trường châu Á, nhu cầu nhập khẩu rau quả tại các thị trường mới như Anh và EU cũng đang gia tăng, mở ra cơ hội lớn cho ngành rau quả Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu 7 tỷ USD trong năm nay.
Bảo An