Ngày Chè thế giới 21/5: Chung tay để tìm ra hướng đi mới

Nhân ngày Chè Thế Giới 21/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn mời gọi các doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới, tập trung nghiên cứu cùng với các doanh nghiệp và bà con nông dân của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu phát triển ngành hàng chè của Việt Nam.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 12/2020, xuất khẩu chè ước đạt 13 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng 12/2019, giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2020 đạt 1.538,5 USD/tấn, giảm 4,6% so với tháng 12/2019.

Năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 137 nghìn tấn, trị giá 220 triệu USD, giảm 0,4% về lượng và giảm 6,8% về giá trị so với năm 2019. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2020 ước đạt 1.608,5 USD/tấn, giảm 6,5% so với năm 2019.

Nông dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Nông dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Sản xuất chè là ngành có lịch sử phát triển liên tục trên 5.000 năm, bởi những đóng góp cho sức khỏe, văn hóa, xã hội và môi trường của nhân loại, Chè được trồng trên 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút trên 13 triệu hộ nông dân và hàng chục triệu lao động phụ trợ và phục vụ khác. Doanh thu chè thế giới đạt khoảng 17 tỷ USD/năm .

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Sri-lan-ka và Kê-ny-a, hiện ngành chè Việt Nam có trên 130 ngàn ha, đã thu hút trên 2 triệu lao động có thu nhập khá ổn định và ngày càng tăng lên mà chủ yếu tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Các điều kiện sinh thái nông nghiệp tại các vùng trồng chè đã góp phần hạn chế được tác động bởi sự biến đổi nhanh chóng của khí hậu.v.v...Trong điều kiện dịch bệnh Covid –19 hoành hành nhưng ngành chẻ vẫn ổn định sản xuất và xuất khẩu, đó là điều đáng hoan nghênh và khích lệ.

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động lên thị trường chè toàn cầu khiến xuất khẩu chè của Việt Nam gặp khó khăn, nhu cầu giảm khiến giá chè nguyên liệu xuất khẩu có xu hướng giảm theo. Về nguồn cung, do kiểm soát dịch tốt, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất chè tại Việt Nam đã trở lại bình thường.

Thị trường chè trong nước được dự báo sẽ không có biến động mạnh do nguồn cung tương đối ổn định. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, triển vọng xuất khẩu chè trong năm 2021 vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.

Về hướng phát triển lâu dài cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cần hướng tới liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè, quan tâm đặc biệt tới quy trình sản xuất chè an toàn, có chứng nhận được thị trường thế giới công nhận. Nhất là khi, nước ta tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì chắc chắn các nước sẽ dựng lên hàng rào kỹ thuật “gai góc” hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải sớm thay đổi và thích ứng.

Trước những khó khăn do dịch bệnh, người dân, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã doanh nghiệp sản xuất chè cần thường xuyên theo dõi những diễn biến thông tin thị trường để có những giải pháp phù hợp, đồng thời vẫn phải chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn, chủ động phòng chống dịch bệnh để không ảnh hưởng đến năng suất, đặc biệt cần có hình thức bảo quản phù hợp để giữ được chất lượng chè. Qua đó chung tay với ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển cây chè theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp Hội chè Việt Nam đánh giá, trong đại dịch Covid-19, hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng, và ngành chè tại Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, ngành chè vẫn giữ được mốc tăng trưởng ổn định, đặc biệt là xuất khẩu chè nhờ có sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

“Để có thể tiếp tục phát triển trong thời gian tới, tôi mong muốn các đơn vị doanh nghiệp sẽ tiếp tục có hướng đầu tư lâu dài, phát triển mở rộng đối với thị trường chè trong nước”, Iông Tài cho biết.

Nhân ngày Chè Thế Giới 21/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn mời gọi các doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới, tập trung nghiên cứu cùng với các doanh nghiệp và bà con nông dân của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu phát triển ngành hàng chè của Việt Nam. Bộ cũng sẵn sàng hợp tác với các Trung tâm nghiên cứu khoa học của các quốc gia trên thế giới để cùng thúc đẩy xây dựng ngành hàng chè của Việt Nam ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành hàng chè của thế giới.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Huy Huy