Ngày tết mời rượu, bia có vui hơn không?

Do những ảnh hưởng tiêu cực của rượu, bia đến sức khỏe và an toàn cộng đồng, đặc biệt là đối với người chưa đủ 18 tuổi - lớp thế hệ trẻ đầy tiềm năng của đất nước, nên rượu, bia là loại hàng hóa không được Nhà nước khuyến khích tiêu dùng.

Ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; ngày 26/8/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số: 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Ngày 28/9/2020 Nghị định 117/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được Chính phủ ban hành. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật và văn bản hướng dẫn thực hiện, điều chỉnh đầy đủ đối với vấn đề phòng, chống tác hại rượu, bia.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của trên 200 loại bệnh, chấn thương. Đối với người chưa đủ 18 tuổi, uống rượu bia sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể trạng và trí não, làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến việc học tập. Sử dụng rượu, bia còn gây mất an toàn khi tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Để phòng, chống tác hại của rượu, bia nói chung cũng như bảo vệ người chưa đủ 18 tuổi trước tác hại của rượu, bia, Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử phạt đối với các vi phạm. Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020: quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung Trong đó có rượu, bia.

Dưới 18 tuổi không uống rượu, bia
Dưới 18 tuổi không uống rượu, bia

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Lưu Phú văn phòng Luật sư Thảo Phương, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:

- Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, đó là: nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Tương ứng là mức xử phạt được Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định trong lĩnh vực kinh doanh rượu, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Trường hợp bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động, sử dụng lao động dưới 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh rượu mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Từ ngày 15/11/2020, người bán, cung cấp bán, cung cấp, khuyến mại rượu/bia cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Người bán rượu, bia khi không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi ở vị trí dễ nhìn cũng bị phạt cùng mức này. Còn với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu/bia sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, tổ chức, cá nhân bán rượu, bia có trách nhiệm kiểm tra tuổi của người nhận hàng trong trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người đó, đảm bảo người nhận hàng phải đủ từ 18 tuổi trở lên khi giao hàng. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 117/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được Chính phủ ban hành ngày 28/9/2020.

Nguyên nhân của sự gia tăng sử dụng rượu, bia của người chưa đủ 18 tuổi một phần do tác động từ quảng cáo, chương trình khuyến mại. Do đó, Luật phòng, chống tác hại rượu, bia có quy định nghiêm đối với việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn từ 5,5 độ, cụ thể:

Không có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu bia; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; không sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh người chưa đủ 18 tuổi trong quảng bá rượu, bia. Đối với người bán rượu, bia, nếu còn bán hàng dễ dãi như trước thì nguy cơ bị phạt là không tránh khỏi.

Không quảng cáo trên báo nói, truyền hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài; không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em.

Khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành, cùng với đó là Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, được người dân đồng tình ủng hộ. Việt Nam là nước tiêu thụ rượu, bia tăng nhanh trong những năm gần đây. Rượu bia cũng là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36% đối với nữ. Các vụ tai nạn giao thông, ẩu đả dẫn đến hình sự một phần cũng từ rượu, bia. Lâu nay, nhiều ông bố vẫn có thói quen sai con đi mua rượu, bia. Anh Nguyễn Thanh Hải, Quận Hai Bà Trưng cho biết: “Tôi có thói quen sai con ra cửa hàng gần nhà mua hộ chai bia, rượu khi nhà có khách. Bây giờ biết được làm như vậy là vi phạm pháp luật, từ nay chắc tôi phải tự đi mua hoặc nhờ vợ mua hộ thôi”.

Chị Bùi Minh Hằng, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ quy định của nhà nước cấm bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Từ khi có quy định này, chồng tôi bỏ hẳn việc sai con đi mua hộ rượu, bia. Nhiều lúc cháu đang ngồi học, bố sai đi mua mà từ chối là lại bị mắng”.

Luật phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 98/NĐ-CP điều chỉnh hành vi, thói quen từ lâu của người Việt, đặc biệt vào mỗi dịp lễ, Tết. Đối với người chưa đủ 18 tuổi, độ tuổi dễ bị kích động, lôi kéo, muốn thể hiện bản thân khi uống rượu thường rất khó từ chối vì sợ bạn bè khích bác, chê bai. Em Nguyễn Duy Phước, quận Hà Đông bày tỏ: “Từ khi có quy định này, em có lý do để từ chối khi được mời uống rượu, nhất là Tết sắp đến, không uống lại sợ bạn bè bảo coi thường tụi nó”.  

Bà Trần Thị Thủy, chủ cửa hàng bán rượu quận Đống Đa: “Quy định như vậy là đúng rồi, nhưng ngặt nỗi người bán như chúng tôi khó phân biệt được người dưới 18 tuổi. Bây giờ bọn trẻ nhiều đứa 17 tuổi mà trông như 19, 20 tuổi. Mỗi lần khách mua tôi phải yêu cầu họ đưa CMTND, chỉ sợ họ thấy phiền phức mà bỏ sang hàng khác thì mất khách”.

Ông Lê Văn Thủy, đại lý rượu, bia quận Tây Hồ: “Khách đông, tôi làm gì có thời gian mà để ý xem khách bao nhiêu tuổi. Giờ lại phạt người bán hàng. Nếu thực hiện, cơ quan chức năng phải có người thường xuyên kiểm tra giám sát bán hàng. Còn bán online, khách gọi điện đặt, tôi gọi shiper giao hàng, không biết nhà nước quản lý thế nào”.

Nói không với rượu, bia
Nói không với rượu, bia

Khi vi phạm quy định về kinh doanh rượu, bia, thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc giám sát thực hiện ở thành phố đã khó, ở nông thôn lại càng khó hơn, nhất là các vùng đồng bào dân tộc, nơi có tập tục uống rượu từ rất lâu. Việc quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm đòi hỏi phải có chứng cứ. Trong khi những cuộc ăn nhậu được tổ chức trong nhà, việc mua bán rượu, bia tại các cửa hàng lấy đâu người kiểm tra, giám sát.

Để việc thực thi luật có hiệu quả, đi vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn người dân là hết sức quan trọng. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật, hướng dẫn luật phòng, chống tác hại rượu, bia: “Để triển khai thực hiện luật kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quản lý của nhà nước thì công tác thông tin, tuyên truyền rất quan trọng. Các cấp, các ngành cần chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả tại bộ, ngành, địa phương”.

Phan Tuấn

Từ khóa:
#h